1
Những thứ có thể đập vỡ trong nhà giờ đã vỡ nát hết.
Bố mẹ tôi đang đứng đó, không ai chịu nhường ai, gào thét tố nhau ngoại tình, mua dâm, nuôi bồ nhí.
Chó liếm, đồ vô dụng, thứ rẻ tiền…
Câu nào độc ác nhất thì nói, ai bớt được một câu thì coi như thua thiệt, để đối phương chiếm lợi thế.
Cái gọi là tình yêu ngày xưa giờ chỉ là chuyện cũ.
Từng ngọt ngào thế nào, giờ cay độc bấy nhiêu.
Họ từng nói yêu tôi, nhưng rốt cuộc cũng chỉ như vậy mà thôi.
Hồi nhỏ tôi là bảo bối, là cái áo bông nhỏ giữa mùa đông.
Sau này, khi họ có gia đình riêng bên ngoài, tôi trở thành gánh nặng, là trách nhiệm không thể trốn tránh, là món nợ mà họ muốn phủi tay.
Tôi từng có phòng riêng.
Nhưng vì tranh giành quyền sở hữu căn nhà này, họ lần lượt đón cháu trai cháu gái về, còn tôi bị đẩy ra ngủ ở ban công nóng hầm hập mùa hè, lạnh buốt mùa đông.
Giờ thì ban công đó cũng bị đập luôn rồi.
Tôi đứng ở góc phòng, cố thu nhỏ sự tồn tại của mình.
Nhưng tôi quá béo, 180 cân.
Có cố co rút đến đâu cũng vẫn là một khối đồ sộ.
Mẹ tôi nhìn tôi là phát ghê, mắng tôi là con heo chết.
Bố tôi thì chửi tôi là đồ ăn hại, phí tiền, thà đẻ cái chày còn hơn.
Không ai nhớ rằng tôi cũng từng có một khuôn mặt đáng yêu.
Chỉ là sau khi họ mặc kệ tôi, tôi phải ăn đồ ăn vặt rẻ tiền, cơm thừa canh cặn họ để lại, dần dần mập lên.
Dậy thì rồi, mặt cũng đầy mụn.
Ai nhìn tôi cũng nhăn mặt ghét bỏ.
Họ thường xuyên đưa bạn bè về đánh mạt chược suốt đêm, tiếng ồn khiến tôi không ngủ nổi, thành tích học tập càng lúc càng tụt dốc.
Không ngoại hình, không thành tích, bị ghét bỏ cũng là điều hiển nhiên.
Tôi đã sớm chấp nhận cuộc đời tầm thường của mình, mặc kệ hết mọi thứ, ai làm gì thì làm.
Nhưng lần này họ cãi nhau dữ quá, giống như thật sự muốn ly hôn rồi.
Lý do cũng đơn giản thôi.
Mẹ tôi có thai.
Người phụ nữ bên ngoài của bố tôi cũng có thai.
Hai đứa trẻ chưa ra đời là kết tinh tình yêu của họ, không thể để thành con riêng.
Vậy nên, nhất định phải ly hôn.
Nhà, không thể để đối phương chiếm mất.
Ông bà nội, ông bà ngoại của tôi đến.
Bác họ, cô dì chú bác cũng ùn ùn kéo tới.
Căn phòng chật chội nhét đầy người, ai cũng tranh nhau chửi bới, không quên lôi tổ tiên mấy đời của nhau ra mà rủa xả.
Cãi đến mức cảnh sát cũng phải lên tận nơi.
“Ly hôn! Ai không ly là chó!”
“Nhà, nhất định phải chia!”
Tôi chen trái chen phải, cuối cùng cũng kéo được cái thân xác đồ sộ này ra giữa đám đông.
Tôi hét lớn: “Mấy người ly hôn thì ly hôn, nhưng nhà phải để lại cho tôi!”
Tôi chưa đủ 18 tuổi, thi đại học lần đầu điểm thảm hại, ngay cả mức đỗ cao đẳng cũng không chạm tới.
Bố mẹ ly hôn, tôi có quyền chọn người giám hộ.
Cóc ghẻ không cắn người, nhưng nhìn phát gớm.
Mà bây giờ, tôi chính là con cóc ghẻ đó.
Chẳng ai muốn rước tôi về nhà cả.
“Nhà để lại cho tôi, tôi có chỗ ở, sẽ không làm phiền ai hết.”
Giữa bầu không khí chết lặng, tôi tiếp tục nói:
“Thêm mười vạn tệ cho tôi đi học nữa.”
“…!!!”
Có người mắng toáng lên.
Mẹ kiếp, con bé này dám nghĩ như vậy sao?
Nhưng bố mẹ tôi lại đột nhiên im lặng.
Bởi vì ai cũng không muốn để đối phương chiếm lợi.
Huống hồ, tiền và nhà đứng tên tôi, sau này chỉ cần dỗ ngọt một chút, chẳng phải vẫn có thể lấy lại hay sao?
Thế là họ chuyển nhượng nhà cho tôi, mỗi người chuyển vào tài khoản tôi năm vạn tệ rồi chính thức ly hôn.
Ngay trước cổng Cục Dân Chính, họ lại bắt đầu chửi nhau, nguyền rủa đối phương bị xe đâm chết, mắc bệnh chết sớm…
Tôi bỗng tự hỏi: Một người thật sự có nhiều cách để chết đến vậy sao?
Họ mắng đến khí thế ngút trời, không thèm quan tâm đang đứng giữa chốn đông người.
Như thể đang xả hết những ấm ức chất chứa bao năm qua.
Còn tôi…
Họ tạm thời quên mất tôi.
Thế nên tôi bỏ đi.
2
Căn nhà tan hoang, chẳng còn thứ gì đáng giá.
Tôi tìm ông thu mua đồng nát, cò kè mặc cả một hồi, cuối cùng bán hết với giá một ngàn năm trăm tệ.
Chuyển khoản xong, tôi khóa cửa.
Trong túi có tiền, lòng cũng bớt bất an hơn hẳn.
Tôi đi vào một tiệm cắt tóc.
“Cắt ngắn giúp tôi.”
“Ngắn cỡ nào?”
“Chỉ cần dài hơn đầu đinh một chút là được.”
Một đứa béo ú, nhưng lại có mái tóc dài tận eo.
Vì da dầu nhờn, bạn học ai cũng nghĩ tôi dơ.
Tôi từng muốn cắt đi, nhưng mẹ không cho.
Bà nói con gái thì phải để tóc dài.
Nếu tôi cãi lại, bà sẽ không cho tiền, mà không có tiền thì tôi sẽ đói.
Tôi đã khuất phục trước quyền lực của bà từ rất lâu rồi.
“Tóc tôi có thể bán được không?”
Thợ cắt tóc gật đầu.
Ông ta nói trả tôi một ngàn tệ, tôi hét giá ba ngàn.
Bước ra khỏi tiệm cắt tóc, tôi trông vừa xấu vừa buồn cười.
Nhưng tôi cười như một con ngốc.
Người qua đường ai cũng nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ.
Tôi cầm tiền đi thuê một phòng trọ gần trường.
Mua đồ dùng cá nhân, mua điện thoại, mua máy tính.
Học kém vì trên lớp nghe không hiểu, về nhà không ai dạy, cũng chẳng có công cụ để học.
Dưới sự thuyết phục của nhân viên bán hàng, tôi lại mua thêm một máy học online.
Người ta thường nói “học sinh kém thì dụng cụ học tập lại đầy đủ nhất”.
Tôi đến hiệu sách, mua cả đống tài liệu.
Không cần biết mình có hiểu được hay không.
Không cần biết mình có kiên trì làm bài hay không.
Không cần biết mình có thể giải được bài tập hay không.
Tôi vác từng túi sách về nhà.
Lên lầu mà thở hồng hộc, mồ hôi chảy ròng ròng cay xè mắt.
Tôi không ăn hamburger, không ăn gà rán nữa, dù đồ ăn đó nóng hổi vừa ra lò thì thơm đến mức khiến người ta phát nghiện.
Lần đầu tiên ăn rau luộc chỉ rắc muối với ức gà, tôi suýt ói.
Mỗi ngày đều thèm uống Coca, thèm đồ ngọt.
Mùi đồ ăn thơm nức ngoài cửa sổ làm tôi thèm đến mức nuốt nước miếng liên tục.
“Tôi phải giảm cân, tôi phải giảm cân.”
Miệng liên tục lẩm bẩm câu đó, tay cầm cốc nước nóng.
Hơi nóng bốc lên, xông vào mắt tôi cay xè, chảy cả nước mắt.
Người ta nói nhảy aerobic có thể giảm cân, tôi nhảy.
Người ta nói các bài tập cổ truyền giúp giảm cân, tôi cũng tập theo.
Dụng cụ tập thể dục á?
Công viên có, miễn phí.
Tập đến mức đi lên cầu thang cũng phải bò thì tôi mới chịu về nhà.
Tôi từng thử đọc sách, nhưng căn bản không hiểu gì cả.
Video dạy học, tôi cũng không nghe nổi.
Một đứa ngu dốt như tôi, nghe không vô cũng phải thôi.
Vậy nên tôi mở video bài giảng cấp tiểu học.
Tốt lắm, cuối cùng cũng nghe hiểu được.
Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi khí thế hùng hổ tìm tới tận nơi.
Ngay cả cảnh sát cũng không ngăn được mẹ tôi, bà ấy giơ tay tát thẳng vào mặt tôi.
“Mày giỏi lắm rồi đúng không? Còn dám cắt tóc nữa, sao không bay lên trời luôn đi hả?!”
Miệng không ngừng chửi, tay thì túm lấy tôi đánh tới tấp.
Không hỏi tôi dạo này ở đâu?
Có ăn uống đầy đủ không?
Cũng chẳng nhận ra rằng ngoài việc cắt tóc, tôi đã gầy đi một vòng, mụn trên mặt cũng bớt hẳn.
Bố tôi đứng đó, lạnh lùng nhìn, chẳng có chút biểu cảm nào.
Cảnh sát tiến lên can ngăn: “Này này, sao lại đánh con? Có gì từ từ nói!”
Mẹ tôi bị kéo ra, nhưng vẫn chưa hả giận, lại tung thêm một cú đá.
Tôi co rúm lại ở góc phòng, bật khóc nức nở trong vô vọng.
“Khóc cái gì mà khóc! Mày còn mặt mũi khóc sao? Vì tìm mày mà tao tốn bao nhiêu công sức, tao…”
Nhìn gương mặt méo mó của bà ta, đôi môi tô son đỏ rực như cái miệng há to của một con thú dữ, tôi chỉ thấy ghê sợ.
Hình ảnh người mẹ dịu dàng trong ký ức, từng chút từng chút bị xóa sạch.
Tôi không kìm được nữa, gào lên:
“Bà lo cho tôi sao? Bà lo cho số tiền trong tay tôi! Lo căn nhà đó cuối cùng không rơi vào tay bà!”
“Bà là mẹ tôi sao? Bà sớm đã không phải rồi!”
Mắt mẹ tôi đỏ ngầu, giơ tay lên định đánh tôi.
Tôi biết, nếu lúc này mà chịu nhịn, chắc chắn tôi sẽ bị họ lôi về nhà.
Rồi thì sao?
Tôi đã có thể sống thoải mái, có thể tự nỗ lực thay đổi tương lai.
Ai lại muốn quay về cuộc sống đen tối, bẩn thỉu, chẳng khác gì heo chó kia nữa?
Thế nên, tôi quyết liều một phen.
Làm ầm lên, làm cho bọn họ mất mặt.
Cũng chỉ có cách này, tôi mới giành lại chút tự do cho mình.
Vì vậy, tôi đưa mặt ra trước, gào thét đến rách cả họng:
“Đánh đi! Đánh chết tôi đi! Vậy bà có thể lấy lại tiền, lấy lại nhà! Đỡ phải ngày nào cũng mơ tưởng đến nó!”
3
Tiếng hét của tôi khiến mọi người đều sững sờ.
Ai nấy đều nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc.
Cảnh sát lên tiếng khuyên bảo: “Đừng ép con bé quá, bây giờ bọn trẻ cũng áp lực nhiều lắm.”
Đầu óc ngu si của tôi xoay nhanh như chong chóng.
Làm sao bây giờ? Phải làm gì bây giờ?
Không nghĩ ra được cách nào hay ho hơn.
Thế nên, ngay khi mẹ tôi vừa há miệng định nói, tôi lập tức hét toáng lên:
“Aaaahhh!!! AAAAAAHHHH!!!”
Không để họ kịp phản ứng, tôi dồn hết sức đẩy bọn họ ra khỏi cửa.
“Cút hết đi! Mặc kệ tôi sống chết ra sao, đừng có quản tôi nữa!”
RẦM!
Tôi sập cửa, lưng tựa vào cánh cửa, toàn thân run rẩy.
Rồi tôi ngồi sụp xuống sàn, kiệt sức.
Như một con cá mắc cạn, há miệng thở dốc.
Nước mắt tràn vào miệng, mặn chát.
Bên ngoài, mẹ tôi vẫn đang tru tréo với cảnh sát:
“Các anh cũng thấy đấy, nó điên thật rồi! Trong tay có tí tiền mà vung tay vung chân, cứ thế này đến lúc xài hết tiền, chẳng phải lại phải quay về vòi tiền bọn tôi sao?”
Mắng chửi xong, giọng bà ta bỗng chuyển sang dịu dàng, đứng trước cửa nhẹ giọng gọi:
“An Nhiên, mở cửa ra, về nhà với mẹ nào!”
Về nhà?
Tôi còn nhà sao?
Những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn, làm gì còn nhà nữa.
Tôi hít một hơi thật sâu, lạnh lùng lên tiếng:
“Dựa vào cái gì mà tôi phải đi với bà? Lúc ly hôn, quyền nuôi dưỡng thuộc về tôi.”
Lúc này, bố tôi lên tiếng.
Ngay lập tức, hai người họ lại bắt đầu cãi nhau ngay trước cửa.
Mẹ tôi khăng khăng rằng bà có quyền thăm nom, có thể đưa tôi về nhà ở một thời gian.
Bố tôi thì nói rằng quyền giám hộ thuộc về ông, ông không đồng ý để bà ta tiếp xúc với tôi.
Từ cãi vã đến động tay động chân, chỉ trong chớp mắt.
Cảnh sát còn chưa kịp can thiệp, mẹ tôi đã lao tới cào cấu bố tôi.
Bố tôi cũng không vừa, tát bà ta một cái.
Cảnh sát thét lên chặn lại.
Từ tiếng quát lớn của cảnh sát, tôi bỗng ngộ ra một điều.
Còn nửa tháng nữa tôi mới tròn 18 tuổi.
Chờ đến khi đủ tuổi, tôi có thể tự quyết định mọi thứ, không cần giám hộ của ai nữa.
Trong nửa tháng này, ai mà lôi tôi về nhà, tôi sẽ quậy tới bến.
Kẻ mềm yếu sợ kẻ cứng rắn.
Kẻ cứng rắn lại sợ kẻ điên.
Mà kẻ điên không sợ chết, ai dám đụng vào?
Giai đoạn nổi loạn ai cũng phải trải qua.
Dù muộn, nhưng vẫn đến.
Tôi nhét máy tính, máy học vào balo.
Quần áo có đúng ba bộ, nhồi bừa vào túi.