Tết về quê, gặp ngay cảnh nhà giàu nhất làng vinh quy bái tổ. Tôi cũng hóng hớt chạy theo đám đông tranh phong bao lì xì, nhưng ai ngờ đâu… con trai độc nhất của họ lại chính là thằng nhóc nghèo tôi từng nuôi cơm.
Hắn rút tiền hào phóng, vung tay phát ngay một phong bao hai mươi nghìn tệ. Nhưng chỉ ba ngày trước thôi, đơn hàng đồ ăn ngoài hai mươi tệ của hắn vẫn còn là tôi trả giúp.
Tôi sững người mất vài giây, rồi quay đầu nhắn tin cho sếp:
[Anh nói trụ sở miền Nam có một vị trí phù hợp với tôi, vẫn còn giữ đấy chứ? Tôi đồng ý chuyển công tác. Sau Tết sẽ không quay lại nữa.]
1
Tôi là nữ sinh viên đại học thành đạt nhất được cả làng công nhận.
Tốt nghiệp trường danh giá, làm việc tại Thượng Hải, giữ chức quản lý cấp cao, mỗi năm kiếm vài triệu tệ.
Mỗi lần về quê, tôi đều trở thành đề tài nóng hổi trong những câu chuyện tám nhảm của các dì, các bà. Thậm chí, ngay cả “trung tâm tin đồn” ở đầu làng cũng quanh năm vang vọng truyền kỳ về tôi:
“Bà có thấy bộ đồ hôm nay con bé Trần Tịch Xuân mặc không? Con gái tôi bảo đó là LV, đắt lắm đấy!”
“Còn chiếc xe nó lái nữa, Mercedes kìa, toàn đại gia mới dám chạy!”
“Tặc tặc, một đứa con gái, tiền đâu mà lắm thế? Không chừng là làm bồ nhí của ai rồi.”
“Thôi đừng nói vậy, Tiểu Xuân năm nào chẳng phát lì xì cho tụi mình, vẫn là đứa có hiếu mà!”
…
Thật ra tôi chẳng bận tâm thiên hạ nói gì về mình, tôi thích cảm giác được trở thành tâm điểm. So với việc bị đàm tiếu, tôi còn mong chờ xem họ có thể bịa ra bao nhiêu câu chuyện hoang đường hơn nữa về tôi.
Nhưng mà…
Năm nay có vẻ khác hẳn—
Dù tôi mặc đồ ngủ, lén lút ngồi ở góc chợ cả buổi chiều, vẫn chẳng nghe ai nhắc đến tên mình. Dường như vị trí nữ chính trong “trung tâm tin đồn” ở đầu làng của tôi đã biến mất.
Thật là thất vọng quá đi mà!
Về đến nhà, tôi hỏi mẹ:
“Tại sao con chỉ ra tiệm tạp hóa mua gói đậu phộng, mà ông chủ đã nói chuyện về Trương Kiến Quân rồi? Dì Tư chơi mạt chược, miệng thì gọi ‘Anh Trương, Anh Trương’ suốt. Rốt cuộc nhà họ Trương có ai vậy? Sao năm nay mọi người không bàn chuyện con bám đại gia nữa? Con tức ghê đó!”
…
Mẹ tôi đang cho gà ăn, chẳng buồn ngẩng đầu lên:
“Anh Trương là đại gia giàu nhất làng ta. Hai mươi mấy năm mới về quê lần đầu, phát lì xì mỗi nhà hai vạn tệ. Mấy cái tin đồn vớ vẩn của con thì đáng gì? Ai mà thèm quan tâm khi người ta phát tiền mặt tận tay cơ chứ?”
2
Theo lời mẹ kể, Trương Kiến Quân là một trong những sinh viên đầu tiên của làng thi đỗ đại học vào những năm 90.
Nhà họ Trương ngày xưa là dân di cư, nghèo rớt mồng tơi, đến cơm còn chẳng đủ ăn, nói gì đến học phí đại học. Cuối cùng, dân làng mỗi nhà góp một ít, gom đủ tiền cho anh ta lên Bắc Kinh học.
Mấy năm đại học, Trương Kiến Quân học hành chăm chỉ, sau khi tốt nghiệp lại gặp thời, khởi nghiệp thành công, tích lũy khối tài sản khổng lồ.
Công việc bận rộn, nghe nói vài năm trước còn ly hôn với vợ, đủ thứ chuyện đau đầu, thành ra mấy năm nay anh ta chẳng về quê ăn Tết. Nhưng cứ mỗi dịp lễ Tết, anh ta vẫn gửi tiền về làng, vừa là quà mừng, vừa để trả ơn năm xưa.
Mãi đến năm nay—
Đây là lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm, nhà họ Trương đưa con cháu về quê. Đương nhiên, cả làng phải náo động rồi.
Từ ông bà cụ cho đến đám trẻ con ba bốn tuổi, ai cũng háo hức muốn tận mắt nhìn thấy vị đại gia của làng.
“Hơn nữa, anh Trương cưới vợ muộn, con trai mới có hai mươi tuổi thôi. Thi đại học đạt điểm tuyệt đối môn Toán và tiếng Anh, hiện đang học ở một trường danh giá ở Bắc Kinh, còn phá kỷ lục điểm thi đại học của con năm xưa nữa đó. Bà Trương bảo thằng bé đẹp trai lắm, cao tận mét tám tám, mới có bạn gái đấy. Mọi người còn bận đi xem trai đẹp, ai mà rảnh quan tâm con năm nay xách túi hàng hiệu gì nữa?”
…
Tôi bĩu môi, đột nhiên nghẹn lời.
Một lúc sau, chợt nhớ ra gì đó, tôi đập bàn:
“Thế mấy năm trước tiền lì xì đâu? Mẹ có phải giấu con rồi không?”
Mẹ tôi như bị bắt quả tang, mặt hơi đỏ lên, bàn tay cầm bắp ngô cũng khựng lại, cười gượng gạo, quẹt tay vào tạp dề rồi trừng mắt nhìn tôi một cách chột dạ.
“Ồn ào cái gì mà ồn ào! Chỉ mấy cái lì xì mà cũng tính toán với mẹ, chẳng phải mẹ vẫn để dành cho con sao? Năm nay ông chủ Trương phát lì xì hai vạn tệ kìa, con đi mà lấy đi, khỏi nói mẹ lúc nào cũng nhòm ngó tiền của con nữa nhé!”
3.
Từ sau khi ba mất, mỗi tháng tôi đều gửi tiền sinh hoạt cho mẹ. Hai vạn tệ này chính miệng bà nói sẽ đưa cho tôi, vậy thì tôi cũng chẳng khách sáo làm gì!
Nghĩ đến món tiền trời ban này, tối đó tôi nằm trên giường vui đến mức không sao ngủ được. Tôi nhắn tin cho cậu bạn trai mới xác nhận quan hệ chưa lâu:
[Trương Sâm Vũ, em về đến nhà chưa? Nói cho em biết tin nóng đây! Đại gia số một trong làng bọn chị vinh quy bái tổ, phát lì xì khắp nơi!]
[Tim đập rộn ràng, tay run bần bật! Chị đã không thể đợi đến ngày mai được nữa rồi!]
…
Tính ra, Trương Sâm Vũ vẫn là đàn em khóa dưới của tôi. Cậu ấy kém tôi sáu tuổi, là thủ khoa đầu vào ngành Khoa học Máy tính năm đó.
Hồi đó tôi có về trường làm diễn giả, chia sẻ kinh nghiệm thực tập và tuyển dụng cho các đàn em. Sau buổi nói chuyện, tôi chuẩn bị gọi xe về thì thấy một người chạy theo tôi ở hành lang.
Cậu ấy thở hổn hển, trên tay cầm theo một bản CV vừa in ra, ánh mắt vừa mong chờ vừa nghiêm túc:
“Chị ơi, chị có thể giúp em giới thiệu một công việc bán thời gian không? Việc gì cũng được, chỉ cần có thể kiếm tiền là ổn! Học bổng kỳ này của em chưa có, tháng sau vẫn phải lo sinh hoạt phí.”
Cậu ấy nói mình là một sinh viên từ vùng nông thôn nghèo khó, mọi chi phí đều phải tự lo liệu. Nỗ lực học tập chỉ vì mong một ngày nào đó có thể bước ra khỏi vùng núi…
Khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhìn thấy hình bóng của chính mình trong quá khứ.
Tôi nhận lấy CV của cậu ấy, từ đó cũng khắc sâu hình ảnh chàng trai này vào trí nhớ.
4
Trương Sâm Vũ có một điểm đặc biệt khiến tôi ấn tượng mãi.
Năm cậu ấy thi đại học, đề ra cực kỳ khó, đặc biệt là môn Toán. Thậm chí, đề thi còn lên cả hot search trên mạng. Vậy mà trên bản CV của cậu ấy, phần điểm số môn Toán lại ghi… điểm tối đa!
Một thành tích đáng kinh ngạc, cả tỉnh chắc chỉ có vài chục người đạt được điểm số này.
Tôi nhắn tin cho cậu ấy:
[Em biết không? Con trai của đại gia làng chị cũng đạt điểm tối đa môn Toán đấy!]
[Không biết hai người có làm cùng một đề không nhỉ? Chị thật sự không thể đọ lại mấy người giỏi Toán như tụi em rồi!]
Trương Sâm Vũ nhanh chóng gửi lại một sticker đáng yêu:
[Không ngờ em lại được đem ra so với hội nhà giàu cơ đấy!]
[Chị ơi, mai em mới về đến nhà. Nhà em ở sâu trong núi, sóng điện thoại yếu lắm, cũng không biết có kịp trả lời tin nhắn của chị không.]
[Mai em gửi chị xem mấy căn nhà cũ kỹ trong làng nhé, nhưng chị đừng chê quê em nghèo quá đấy!]
Quê cậu ấy có vẻ còn khổ hơn cả làng tôi.
Nhiều lần cậu ấy kể với tôi rằng nơi đó vừa nghèo, vừa hoang tàn, vừa lụp xụp. Dân làng thì lười biếng, hung dữ, lại khó sống chung. Nếu không phải bất đắc dĩ, cậu ấy chẳng muốn trở về, cũng chẳng muốn dính dáng đến những con người đó.
Mỗi lần nghe cậu ấy than thở, tôi đều cảm thấy thương cho cậu ấy.
Tôi biết có những ngôi làng quả thực có bầu không khí tiêu cực như vậy. So với những người trưởng thành từ hoàn cảnh như thế, tôi vẫn còn may mắn. Dù hàng xóm láng giềng có thích tám chuyện về tôi thế nào đi nữa, thì khi thực sự có chuyện lớn, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ.
Ví dụ như năm đó, vào kỳ thi quan trọng của tôi, mẹ tôi đột nhiên phát bệnh nặng ở nhà, tôi không thể bỏ dở kỳ thi giữa chừng, chính mấy dì hàng xóm đã thức cả đêm tìm xe đưa mẹ tôi đến bệnh viện, ứng tiền viện phí, rồi thay nhau chăm sóc bà cả tuần cho đến khi tôi quay về…
Chuyện như vậy, chắc chắn quê của Trương Sâm Vũ sẽ không thể có được.
Nghĩ đến đây, tôi thở dài, rồi chuyển khoản cho cậu ấy hai nghìn tệ.
[Về đến nhà thì mua chút đồ ăn ngon mà bồi bổ.]
[Phát cho người lớn và trẻ con trong làng ít tiền lì xì, chắc họ không dám cằn nhằn em nữa đâu nhỉ?]
5
Sáng hôm sau, tôi bị tiếng pháo ồn ào đánh thức. Mẹ tôi đang chẻ củi dở thì chạy đến, đập cửa ầm ầm:
“Trần Tịch Xuân, dậy chưa hả? Không ra lấy lì xì à?”
“Anh Trương và cả nhà đã đến cổng làng rồi! Nhìn xem ai cũng kéo nhau ra hóng, còn cô thì nằm ì trên giường? Không đi thì mẹ đi thay nhé!”
…
Nói cứ như kiểu lì xì này là ai đến trước thì có trước vậy! Rõ ràng đại gia đã nói mỗi nhà đều có phần mà?
Tôi chắc chắn mẹ tôi chỉ muốn độc chiếm hai vạn tệ đó thôi!
Nghĩ vậy, tôi bật dậy ngay lập tức, vớ đại một chiếc áo len sặc sỡ tròng vào người, vừa xỏ dép lê, vừa túm đại một chiếc túi rồi lao ra ngoài.
Hai vạn tệ lận đấy, phải mang túi đủ to mà đựng chứ! Không biết ông đại gia kia dùng bao tải mà khuân tiền đến đây hay không nữa!
Đến cổng làng, tôi mới nhận ra mẹ mình không nói ngoa.
Chỗ đó đã đông nghẹt, người chen chúc tầng tầng lớp lớp, so với lần cúng tế tổ tiên còn rầm rộ hơn! Đừng nói là thấy đại gia, ngay cả gáy của mấy người đứng hàng đầu tôi cũng không nhìn nổi.
Đợi một hồi lâu, tôi mới len được lên phía trước một chút. Ngay lúc đó, một người tiến lại gần, là một cô sinh viên như tôi, mới từ thành phố về quê nghỉ Tết. Tính ra thì cũng có họ hàng xa với tôi, gọi tôi là chị.
Cô ấy vỗ vai tôi, hào hứng nói:
“Chị Tịch Xuân, chị về rồi à! Đông lắm luôn đó… Chị có nghe về con trai đại gia chưa? Anh ấy đang ở bên chỗ trưởng làng, phát lì xì giống bố. Bên đó không cần xếp hàng đâu, đi theo em, em dẫn chị qua đó!”
Chỉ mất chưa đầy mười phút, chúng tôi đã đến nơi. Quả nhiên, chỗ này không đông lắm.
Cô gái chỉ vào chàng trai dưới gốc cây hòe, nói:
“Kia kìa!Có phải rất đẹp trai không?”
6
Chàng trai chậm rãi xoay người, cúi xuống, đưa một bao lì xì cho đứa trẻ trước mặt. Mỏng tang, không dày lắm, chắc bên trong là một chiếc thẻ ngân hàng.
Cậu ta mặc áo khoác Armani, cổ tay đeo đồng hồ Patek Philippe. Cả bộ đồ trên người ít nhất cũng phải vài triệu tệ—
Trương Sâm Vũ.
Người từng chẳng có nổi tiền mua đồ ăn ngoài, giờ lại hào phóng vung tay cả chục nghìn tệ.
Tôi bỗng nhớ lại cuộc trò chuyện tối qua giữa tôi và cậu ta.
Tôi thương cậu ta bị dân làng bắt nạt, liền chuyển hai nghìn tệ làm lì xì, bảo cậu ta mua quà biếu người lớn và trẻ nhỏ trong làng.
Giờ nhìn lại, thật nực cười biết bao—
Thì ra, những kẻ mà cậu ta từng khinh thường, những kẻ mà cậu ta nói là ham lợi, thực dụng, xấu xa…
Chính là tôi.
Khóe môi tôi hơi nhếch lên, cười tự giễu.
Tôi nhìn Trương Sâm Vũ đứng thẳng dậy, tiếp tục trò chuyện với trưởng làng. Lúc này đây, dáng vẻ cậu ta không còn là một chàng trai trẻ ngây ngô khi bên tôi, mà có thêm phần trưởng thành, tự tin của một kẻ đứng trên cao.
Xung quanh, bọn trẻ con chạy tới chạy lui, cậu ta chợt xoay người về phía tôi. Không biết vì sao, tôi vô thức lùi lại một bước, lui vào một góc khuất. Em họ tôi bị người khác gọi đi, chỉ còn tôi đứng lại một mình.
Tôi hít sâu một hơi.
Có lẽ, tôi chỉ muốn tìm một lời xác nhận.
Có lẽ, tôi chỉ muốn để tình cảm này chết một cách rõ ràng.
Tôi lấy điện thoại ra gọi cho Trương Sâm Vũ.
7
Tựa vào bức tường, tôi nhìn về phía Trương Sâm Vũ.
Cậu ta vừa trò chuyện với trưởng làng xong, giờ đang ngồi dưới tán cây. Đứa trẻ vừa nhận lì xì chạy quay lại, trên tay ôm một túi kẹo lớn, dúi vào tay cậu ta, trông cậu ta có vẻ rất vui, tùy ý lấy một viên sô-cô-la, xoa đầu đứa trẻ, chẳng thèm nhìn điện thoại, liền bắt máy—
Nghe thấy giọng tôi, dường như cậu ta lập tức vui hẳn lên.
“Chị à? Sao tự nhiên lại gọi cho em thế? Nhớ em à? Hiếm lắm nha!”
Tôi khẽ cười, giả vờ hờ hững hỏi tiếp:
“Về đến nhà rồi chứ? Em nói còn nhiều chỗ cần dùng tiền lắm. Có đủ không? Chị gửi thêm nhé?”
Trương Sâm Vũ quét mắt nhìn quanh, ánh mắt dừng lại trên xấp lì xì trong tay, dường như hơi khựng lại.
Cậu ta lén lấy tay che micro điện thoại, như thể đang làm chuyện gì khuất tất, giọng thấp xuống:
“Đủ rồi chị. Lâu lắm em mới về quê, chỉ riêng tiền lì xì thôi đã phải phát bao nhiêu rồi, đúng là hơi eo hẹp thật. Nhưng chị biết mà, em vốn không thích dựa dẫm vào chị, sao có thể cứ mãi hỏi xin tiền chị được? Nên mấy ngày tới, em ăn tạm dưa muối mì gói là được rồi, chị đừng xót em nha.”
…
Nói xong, cậu ta còn tiện tay chạm vào chiếc Patek Philippe phiên bản giới hạn trên cổ tay, rồi thở dài sườn sượt. Sau đó, cậu ta gửi cho tôi một bức ảnh từ album điện thoại.
“Chị xem này, đây là quê em. Có phải nghèo lắm không? Nhà cửa sắp sập hết cả rồi. Em vừa đề nghị với trưởng làng, chỗ này nên dỡ bỏ đi, nhìn đúng là chướng mắt. Sau này nếu em đưa chị về nhà, chị thấy cảnh này chắc bỏ chạy mất thôi nhỉ?”
Mặc dù tôi đã biết thân phận thật sự của cậu ta.