“Ba mươi mấy tuổi mà không có vợ, không con, thuê nhà lại còn không có việc làm. Mày còn thảm hơn tao nữa!”

Rồi hắn chỉ vào tôi, gằn giọng:

“Bố tao thích tập thể dục buổi sáng. Nếu mày còn dám bám theo ông, tao đánh chết mày!”

Tôi sờ vào camera ghi hình trước ngực, gật đầu:

“Được thôi, tất cả đã được ghi lại rồi!”

Ngay sau đó, tôi gửi đoạn video cho người trong nhóm, bảo họ đăng lên mạng. Đoạn này hẳn sẽ thành một tập mới của ‘bộ phim truyền hình’ dài tập.

Không chiếm được lợi thế, hai cha con ông cụ chửi mắng rồi bỏ đi.

Quả nhiên, ngày hôm sau, gã xăm trổ theo ông cụ ra ngoài tập thể dục.

Nhưng hắn ủ rũ cúi đầu, trông như chưa ngủ đủ giấc.

Tôi đeo camera ghi hình, phấn khởi ra ngoài, cố gắng ghi lại đoạn video góc nhìn thứ nhất. Lượt like chắc chắn sẽ rất cao.

Ông cụ: “Hê!”

Tôi: “Ha!”

Ông cụ: “Hê!”

Tôi: “Ha!”

Gã xăm trổ vốn đã thiếu ngủ, không chịu nổi nữa, đá thẳng một phát vào tôi.

Tôi đã đề phòng từ trước, lập tức ngã xuống đất, giả vờ bị thương.

Đèn trong các tòa nhà xung quanh lập tức bật sáng.

Một nhóm người thò đầu ra từ cửa sổ hét lớn:

“Đánh người rồi, mau báo cảnh sát!”

“Có án mạng rồi!”

“Chúng tôi đều là nhân chứng!”

Chẳng mấy chốc, cảnh sát có mặt. Hơn trăm cư dân quây chặt lấy chúng tôi không còn đường thoát.

Cảnh sát nghiêm túc hỏi tôi:

“Cậu thấy thế nào? Có cần gọi xe cứu thương không?”

Tôi ôm đầu:

“Chóng mặt… muốn nôn…”

Cảnh sát liền nói:

“Gọi xe cứu thương ngay, có khả năng bị chấn động não!”

Gã xăm trổ lao lên định đánh tôi lần nữa:

“Tao đâu có đá trúng đầu mày!”

Hắn lập tức bị hai cảnh sát dùng động tác khống chế, đè xuống đất.

Mọi người xung quanh đồng loạt làm chứng, khẳng định gã xăm trổ đã đánh tôi thừa sống thiếu chết.

Ông cụ nằm trên đất ôm ngực, chẳng ai thèm để ý.

Cuối cùng, gã xăm trổ phải bồi thường cho tôi 5.000 tệ.

Tôi đổi toàn bộ 5.000 tệ thành hạt dẻ cười, gửi lại ở phòng bảo vệ, nhắn trong nhóm rằng mọi người có thể đến lấy.

Gần như cả khu chung cư ai cũng vui như trẩy hội.

Nghe nói, tối hôm đó ông cụ tức đến mức suýt bị nhồi máu cơ tim, phải gọi xe cấp cứu đưa vào viện, nằm suốt nửa tháng.

Còn cậu con trai “hiếu thảo” chỉ chăm ông được một tuần là chịu không nổi, phải thuê một hộ lý giá rẻ nhất để trông nom, còn bản thân thì chuồn mất.

Ngay đêm ông cụ nhập viện, cư dân trong khu tự tổ chức mua pháo hoa, pháo dây, ăn mừng một trận ra trò.

Cuộc sống bình yên kéo dài được nửa tháng.

Đúng lúc đó, khoản trợ cấp thôi việc của tôi về.

6

Trợ cấp hơn 500.000 tệ, thật sự quá tuyệt vời.

Ngay lập tức, tôi liên hệ với ngân hàng nơi gửi tiết kiệm, hỏi họ có sản phẩm đầu tư nào hấp dẫn không.

Với tổng tài sản của tôi đã đạt cấp VIP cao nhất tại chi nhánh, giám đốc ngân hàng ở đó khăng khăng muốn đích thân đón tôi đến làm thủ tục.

Không từ chối được sự nhiệt tình, tôi đành đồng ý.

Sáng sớm hôm sau, xe của ngân hàng đã đợi sẵn dưới nhà.

Giám đốc chi nhánh và quản lý khách hàng mặc đồng phục công sở, mỉm cười chờ tôi.

Để tỏ ra lịch sự, tôi cũng mặc bộ vest từng dùng đi phỏng vấn, lại vô tình giống hệt đồng phục của họ.

Qua khóe mắt, tôi thấy ông cụ đứng cách đó không xa, trừng mắt nhìn về phía tôi.

Tôi phớt lờ ông ta, lên xe rời đi.

Ngoài cửa sổ, ông cụ leo lên xe ba bánh điện, rồ ga đuổi theo xe tôi.

Tài xế cười nói: “Nhìn kìa, lão già này còn drift được với xe ba bánh đấy!”

Việc tại ngân hàng diễn ra rất nhanh, chưa đến nửa tiếng là xong.

Giám đốc chi nhánh tiễn tôi ra cửa, lịch sự chào tạm biệt.

Bỗng một tiếng gào thảm thiết vang lên ngoài cửa ngân hàng:

“Quan chức quốc doanh bắt nạt dân thường!

“Đánh đập, lăng mạ người già!

“Nửa đêm gõ cửa quấy rối, còn từ chối xin lỗi!

“Trêu ghẹo thiếu nữ vị thành niên, sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trời đất không tha!”

Không biết từ lúc nào, ông cụ đã chuẩn bị cả băng rôn, treo lên xe ba bánh điện, rồi quỳ gào khóc ngay trước cửa ngân hàng.

Thấy tôi bước ra, ông cụ kéo tay áo tôi, nói với đám đông:

“Mọi người phân xử giúp tôi với! Chính cái người này làm ở ngân hàng lớn, đánh chửi tôi, không cho tôi ngủ, còn quấy rối cháu gái tôi. Đến giờ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật!

“Hắn làm tôi tức đến mức phải nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Đây là giấy chứng nhận nhập viện của tôi!”

Ông cụ giơ cao bệnh án, hét lên:

“Người như thế mà cũng làm ở ngân hàng, ai còn dám gửi tiền ở đây nữa?

“Dân nghèo chúng tôi biết kêu ai bây giờ?”

Người vây quanh càng lúc càng đông, giám đốc ngân hàng hoảng hốt, tiến lên kéo ông cụ:

“Cụ ơi, chắc cụ nhầm rồi. Người này là khách hàng của chúng tôi, không phải nhân viên!”

Ông cụ đẩy mạnh vào ngực giám đốc:

“Mấy người toàn bao che cho nhau! Nói một câu không phải người của các anh là xong sao? Tôi thấy tận mắt các anh lái xe đón hắn, chắc chắn là lãnh đạo của các anh! Nhìn quần áo hắn kìa, giống y chang các anh!”

Đám đông bàn tán xôn xao, thậm chí có người giơ điện thoại lên quay video.

“Thấy ông cụ này tội quá, nếu là thật thì xã hội này đen tối quá rồi!”

“Đúng đấy, ngân hàng là đơn vị phục vụ dân, sao lại làm những chuyện thế này?”

“Vụ này mà lên mạng, ngân hàng này đóng cửa luôn!”

Giám đốc, người đã có nhiều năm kinh nghiệm, khẽ quay sang nói với nhân viên báo cảnh sát, rồi định kéo ông cụ vào văn phòng giải quyết.

Ông cụ giằng ra, hét lớn:

“Đừng hòng dìm chuyện này xuống! Có gì thì nói ngay tại đây, cho tôi một lời giải thích trước mặt mọi người!”

Ông cụ mặt đầy vẻ giận dữ, nhưng ánh mắt nhìn tôi lại lộ rõ sự đắc ý.

Thấy đủ trò, tôi bước lên phía trước.

Ông cụ tưởng tôi định khuyên nhủ, liền trợn mắt định mắng tôi.

Nhưng tôi quay sang nói với đám đông:

“Mọi người có thể quay phim, nhưng đừng đăng lên mạng. Đăng tin sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đấy!

“Chờ cảnh sát đến, mọi người hãy làm chứng cho tôi nhé.”

Thấy tôi ung dung tự tin, ông cụ chỉ tay vào mặt tôi, mắng:

“Mày nghĩ mọi người mù cả à? Chết đến nơi rồi còn cứng miệng! Tao cho mày hai lựa chọn: một là từ chức, bồi thường tao tiền, hai là tao kiện đến khi mày bị đuổi việc, rồi vẫn phải bồi thường cho tao!”

“À, còn cách cuối cùng: mày dọn khỏi khu chung cư, không tìm tao gây chuyện nữa, tao sẽ coi như bỏ qua mọi chuyện!”

Từ ánh mắt của ông cụ, tôi thấy rõ ông rất muốn tôi chọn cách cuối cùng.

Điều này khiến tôi hơi tò mò, nhưng chưa kịp nghĩ rõ thì cảnh sát đã đến.

Hóa ra lại là mấy người quen mặt.

“Ông ơi, hôm nay lại gây chuyện gì nữa đây?”

Ông cụ nhổ nước bọt, hét:

“Hôm nay tôi muốn xem các anh che chở nó thế nào! Tôi bắt tận tay rồi, nó làm việc ở ngân hàng này, lãnh đạo các anh còn lái xe đón nó!”

“Nếu hôm nay không cho tôi một lời giải thích, tối nay tôi sẽ ở lại đây luôn!”

Cảnh sát liếc nhìn nhau, rồi quay sang nhìn tôi.

Tôi chỉ nhún vai.

Cảnh sát lấy điện thoại ra, yêu cầu tôi đưa chứng minh nhân dân và kiểm tra trong khoảng một phút.

“Ông ơi, tôi kiểm tra rồi, người này hiện không có đơn vị làm việc, thuộc diện không có việc làm.”

“Phì! Tôi tận mắt thấy hắn từ xe ngân hàng đi xuống vào bên trong, mấy người vẫn muốn bao che cho hắn! Dân như tôi không có nơi kêu oan sao? Tôi sẽ đi khiếu nại, sẽ lên truyền thông, sẽ bóc trần tất cả hành vi ác độc của các người!”

Đang giằng co, một bà cô chen qua đám đông:

“Tránh ra nào! Tôi vào làm thủ tục đây!”

Ông cụ chặn ngay cửa ngân hàng:

“Hôm nay nếu không sa thải lãnh đạo ngân hàng này, đừng hòng ai vào trong!”

Bà cô không nói hai lời, thẳng tay tát “bốp bốp” vài cái vào mặt ông cụ.

“Lão già, ông bị gió thổi từ chỗ nào đến đây hả? Biến ngay!”

Ông cụ bị tát đến đỏ bừng mặt, định phản ứng lại nhưng vừa thấy vẻ hung hãn của bà cô thì lập tức im thin thít.

Đúng kiểu bắt nạt kẻ yếu, sợ kẻ mạnh.

“Tôi làm thủ tục ở đây cả chục năm rồi, chưa bao giờ thấy người này làm ở đây cả!”

Bà cô vừa nói xong, mấy người xung quanh cũng đồng tình:

“Đúng rồi, từ nhân viên đến lãnh đạo ngân hàng này tôi đều biết mặt, chẳng thấy người này ở đâu cả!”

“Ông nhìn kỹ đi, quần áo của họ khác hẳn nhau mà!”

“Tránh ra đi, tôi còn phải làm việc nữa!”

Ông cụ đứng sững người tại chỗ:

“Không thể nào! Tôi rõ ràng thấy mà!”

Ông túm lấy tay giám đốc ngân hàng:

“Không được, ông chắc chắn quen biết hắn! Dù không phải người của ông, ông cũng phải cho tôi một lời giải thích, nếu không tôi sẽ khiến ngân hàng này đóng cửa luôn!”

Giám đốc ngân hàng cười khổ:

“Ông ơi, thế này thì hơi…”

Hai viên cảnh sát mỗi người nắm một tay ông cụ:

“Ông ơi, lần này ông gây chuyện lớn rồi. Gây rối trật tự công cộng, tung tin đồn thất thiệt, cố ý gây sự. Theo chúng tôi về đồn thôi!”

Tôi cũng theo về đồn để làm biên bản, khẳng định rằng hành vi vu khống của ông cụ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của tôi, và ngay lập tức yêu cầu ông bồi thường.

Ông cụ bắt đầu ăn vạ, nói mình không có tiền.

Tôi cười nhạt:

“Thế thì ông cứ ở lại trong đó một thời gian đi, khu chúng tôi sẽ yên bình hơn nhiều.”

“Chắc giá nhà cũng tăng trở lại, cư dân khu này còn phải đốt pháo ăn mừng!”

Nghe đến đây, ông cụ không chịu nổi, vội gọi điện cho con trai.

Có lẽ bị mắng té tát qua điện thoại, nhưng cuối cùng ông con vẫn phải gửi hơn 20.000 tệ để bồi thường cho tôi.

7

Ra khỏi đồn cảnh sát, ông cụ lại gọi điện cho con trai.

Tai tôi thính, nên vừa đi vừa nghe được hết.

“Con ơi, con nói xem kế hoạch này có ổn không? Bố sắp gãy hết xương rồi mà giá nhà khu này chẳng giảm là bao!

“Cái thằng mới chuyển đến này cứng quá, không đuổi được nó đi thì đừng hòng ép giá nhà xuống để mua!”

Tiếng con trai ông cụ qua điện thoại cũng rất rõ:

“Đừng nói nhiều. Bố cứ làm theo kế hoạch. Bên con đã chuẩn bị xong khoản vay. Chỉ cần giá nhà khu đó giảm một nửa so với trước, chúng ta sẽ mua đứt 10 căn.

“Sau đó bố dọn đi, một năm sau giá nhà tăng trở lại, chúng ta sẽ kiếm được cả triệu.

“Đến khi chuyển sang khu khác, mình lại chơi chiêu này. Lo gì về già không có tiền tiêu!”

Ông cụ nghe xong, giọng lập tức cứng rắn:

“Được! Bố liều mạng lần này, xem khu đó có chịu nổi bố không!”

Vừa về đến khu chung cư, ông cụ đã cầm loa đi khắp nơi, gào lên:

“Nghe đây, cư dân khu Thiên Dương!

“Thằng nhóc ở tòa 7, phòng 301 gây sự với tôi, các người cứ đứng đó xem vui. Được thôi! Hậu quả của nó các người sẽ phải gánh hết!

“Từ hôm nay, mỗi đêm tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một nhà, cứ cách một tiếng tôi sẽ gõ cửa một lần, cho đến khi cả khu không ngủ được!

“Đừng trách tôi, trách thì trách thằng nhóc ở tòa 7!”

Tôi đi theo sau, vừa nghe vừa buồn cười. Ông cụ này học binh pháp Tôn Tử cũng khá đấy, biết dùng kế ly gián nữa.

Nhóm chat của khu lại nổ tung:

【Làm sao đây, giờ ông cụ bắt đầu hành hạ cả khu rồi!】

【Không ngủ được cả đêm, chắc hôm sau không chịu nổi mất!】

【Cái trò bốc thăm này mệt quá, không biết đêm nay ông cụ gõ nhà ai!】

【Hay là cậu xin lỗi ông cụ đi, cùng lắm ổng chỉ làm ồn buổi sáng, vẫn còn ngủ được vài tiếng mà!】

Không biết ai nói câu đó, cả nhóm bỗng im bặt.

Chắc nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc này.

Bảo tôi xin lỗi à? Không bao giờ!

Tôi đăng lên nhóm chat:

【Xin lỗi à? Không đời nào! Cả đời này tôi chưa bao giờ xin lỗi!

【Ai mà muốn qua cầu rút ván, cứ đến đây, tôi sẵn sàng tiếp!】

Dì hàng xóm vội vàng trả lời trong nhóm:

【Tiểu Trương, cháu đừng hiểu lầm, mọi người cũng bị lão già đó hành hạ đến cùng cực rồi. Chúng ta phải cùng một chiến tuyến, hợp sức đối phó với ông ta!】

Cả nhóm nhao nhao đồng tình theo.

Chắc lúc này họ mới nhận ra, tôi còn khó đối phó hơn cả ông cụ.