Tôi bắt xe nhưng lại gọi trúng một chiếc Maserati.

Vừa lên xe, cậu thiếu gia nhà giàu liền coi tôi như thùng rác, than vãn suốt bốn mươi phút.

Về đến nhà, tôi phát hiện anh ta đã miễn phí chuyến xe.

Hôm sau, anh ta lại một lần nữa nhận đơn của con đỗ nghèo khỉ như tôi.

Như thường lệ, sau giờ làm, tôi gọi xe qua ứng dụng đặt xe chung.

Rất nhanh đã có tài xế nhận chuyến.

“Bác tài ơi, em mặc áo len trắng ạ.”

Trong dòng xe tấp nập, một chiếc Maserati màu xanh đậm dừng lại ngay trước mặt tôi.

Sau đó… tôi bất giác lùi lại hai bước.

“Bác tài ơi, bác ở đâu thế ạ? Em không thấy xe bác đâu.”

Đầu dây bên kia là một giọng nam trẻ trung:
“Tôi bật đèn cảnh báo rồi.”

Tôi đi qua đi lại, nhìn trái nhìn phải:

“Em vẫn không thấy ạ? Trước mặt em có một chiếc Maserati này, em đang đứng ngay cạnh nó đây.”

“Tôi chính là chiếc Maserati đó.”

????

Tôi hết hồn, cẩn thận kéo cửa xe, leo lên.

Cửa còn chưa kịp đóng, tài xế đã liếc tôi qua gương chiếu hậu:
“Sao cô lại ngồi ghế sau?”

Hả??? Tôi ngồi ghế sau về nhà chứ còn làm gì nữa?

Nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn bò ra, ngồi xuống ghế phụ.

Trong lòng thầm nghĩ, chắc ngồi ghế sau sẽ khiến người ta có cảm giác như tài xế riêng, không đủ tôn trọng anh ta chăng?

Cài dây an toàn xong, tôi ngồi thẳng lưng, nghiêm túc ngay ngắn.

Tài xế trông rất trẻ, đeo kính râm, trên gọng kính còn có logo của Chanel. Trong xe cũng có mùi hương, nhưng có lẽ không thơm bằng Chanel thật.

“Cô làm ở đây à?”

Cậu thiếu gia hờ hững lên tiếng, giọng điệu bình thản như đang phỏng vấn bảo vệ.

“À, đúng ạ.”

“Kiếm được nhiều không?”

Tôi nắm chặt dây an toàn, còn căng thẳng hơn cả lúc đi phỏng vấn với HR.

“Cũng ổn ạ, thực tập, một tháng bốn nghìn rưỡi.”

Anh ta “ồ” một tiếng.

“Chỉ có vậy thôi à?”

“À… vâng.”

Xe dừng lại chờ đèn đỏ, anh ta hạ kính xuống, đặt khuỷu tay trái lên cửa xe, một tay cầm vô lăng.

Ngả đầu ra sau đầy phong thái, rồi nói:

“Cô biết không? Mẹ kế của tôi còn nhỏ tuổi hơn tôi.”

??? Sao tôi biết được chuyện đó chứ?!

“À ờ… chuyện này, cũng lạ ghê.”

Anh ta đưa tay xoa mặt, thở dài một tiếng.

“Từ khi về nước, tôi thấy cái gì cũng thay đổi.”

“Cũng phải thôi, phát triển nhanh mà.”

Đèn xanh bật lên, anh ta đạp ga lao đi.

“Hồi cấp ba, gia đình gửi tôi ra nước ngoài, chỉ cho tiền tiêu, chẳng ai quan tâm. Giờ về nước, bố tôi đổi hai đời vợ, mẹ tôi tìm ba người tình, mà chẳng ai buồn báo cho tôi biết.”

Tôi gật gù, cố nặn ra vẻ mặt đau lòng căm phẫn.

“Hả? Sao lại thế được?”

“Tôi về nước chẳng có bạn bè, cũng không thích ứng nổi, đến cái Alipay cũng mới học dùng, một ngày chẳng có ai nói chuyện cùng, tiếng Trung cũng kém đi nhiều.”

Tôi lắc đầu.

“Đâu có đâu ạ, tiếng Trung của anh đỉnh lắm, em nghe hiểu hết mà.”

Anh ta cuối cùng cũng quay đầu nhìn tôi, nhướng mày.

“Thật không?”

Ơ? Tôi lại lỡ lời à? Có khi nào cậu thiếu gia này không muốn tôi hiểu được không?

“Không không, không nghe hiểu, tiếng Trung của em cũng không tốt lắm.”

Anh ta không nói gì nữa, chỉ mím môi cười.

Cười một lát, lại sầm mặt xuống.

“Bạn gái mới của bố tôi… là bạn học cấp hai của tôi. Tôi thực sự không muốn về nhà.”

“Hả?!”

Nghe đến đây, tôi không nhịn được nữa.

Đây chính là thế giới của nhà giàu sao??

Anh ta nhấn ga vượt chiếc xe phía trước, suýt nữa va quệt. Bên kia chửi ầm lên, anh ta thản nhiên giơ ngón giữa đáp lại.

“Hồi đó cô ấy thích tôi, hay đến nhà tìm tôi chơi. Sau này tôi ra nước ngoài, không biết sao lại quen bố tôi. Trước đây cô ấy gọi tôi là anh Vương, giờ tôi phải gọi cô ấy là dì Trương.”

Tôi không nhịn được, quay mặt đi cười trộm.

“Không cần phải lén cười đâu, chính tôi cũng thấy buồn cười.”

Rồi anh ta nói tiếp:

“Bố tôi bảo tôi đến xưởng làm để rèn luyện, sau này còn kế thừa gia nghiệp. Tôi không muốn, thế là ông ấy cho tôi năm triệu, bảo tôi tự đi mà xoay sở. Nhưng tôi cũng chẳng biết phải làm gì.”

“Hầy, em đi vay bố năm trăm nghìn mà ổng còn tưởng em sa vào tín dụng đen. Em cày từ thời nhà Thanh đến giờ cũng chưa chắc kiếm được năm triệu đâu.”

Anh ta nhếch miệng cười.

“Cô thú vị đấy.”

Sắp về đến nhà, tôi cười cười.

“Chỉ cần thiếu gia vui vẻ, nô tài đây cũng an lòng. Mai mốt thiếu gia khởi nghiệp, nhớ tuyển em làm bảo vệ nhé.”

Tôi nghĩ rằng chỉ là bèo nước gặp nhau, sau này chắc chẳng có cơ hội gặp lại, nên lúc đùa giỡn cũng chẳng kiêng dè gì.

Không ngờ về đến nhà, tôi phát hiện anh ta đã miễn phí chuyến xe.

Đúng là thiếu gia nhà giàu.

Tôi nịnh nọt sếp hai câu, sếp tưởng tôi có ý với ổng, kéo tôi ở lại tăng ca.

Nịnh cậu thiếu gia này, tôi tiết kiệm được hai mươi đồng tiền xe, có tiền ăn tối rồi.

Tôi cứ tưởng chuyến đi cùng xe sang này chỉ là một giai thoại nhỏ trong đời.

Ai ngờ hôm sau tan làm gọi xe, thiếu gia lại một lần nữa nhận đơn của tôi.

Tôi kinh ngạc bò lên xe, cười gượng:

“He he, trùng hợp ghê.”

Hôm nay thiếu gia không đeo kính, cũng thay bộ đồ khác, trông trắng trẻo sáng sủa, nhìn qua chắc chỉ tầm hai mươi mấy tuổi.

Anh ta gật đầu, ra hiệu tôi đóng cửa xe, vẫn kiểu thẳng thừng như lần trước, khiến người ta không kịp trở tay.

“Tôi cãi nhau với bố. Tôi không muốn để ý đến ông ấy nữa. Tôi muốn dọn ra ngoài ở.”

Ăn của người ta thì ngại mở miệng, lấy của người ta thì ngại giơ tay.

Dù gì tôi cũng nhờ anh ta miễn cho hai mươi tệ tiền xe, nên hôm nay tôi phụ họa càng có tâm hơn.

“Đúng, tôi ủng hộ anh.”

Kết quả, thiếu gia vì tránh người đi bộ nên phanh gấp, ngoảnh sang nhìn tôi, hỏi:

“Cô ủng hộ kiểu gì?”

??? Câu này đánh đúng vào điểm mù của tôi rồi.

“Tôi ủng hộ anh… bằng lời nói.”

Anh ta bĩu môi, tỏ vẻ không mấy để ý.

“Cô cũng thẳng thắn ghê.”

Ờ thì không lẽ tôi nói dối?

Nhưng tất nhiên tôi không thể nói vậy được, nên chỉ biết cười ngốc nghếch.

“He he he he.”

Bên trong xe rơi vào khoảng lặng.

Giờ tan tầm, xe cộ mỗi lúc một đông, đường bắt đầu kẹt cứng.

Tôi hơi bực bội, nhưng thiếu gia lại có vẻ rất bình thản, tựa vào cửa xe nhìn ra ngoài, ngắm ráng chiều.

“Ở nước ngoài ít kẹt xe lắm, tôi toàn chạy nhanh.”

Câu này tôi không biết tiếp chuyện kiểu gì.

“Vậy à, tôi chưa từng ra nước ngoài.”

Thiếu gia quay lại nhìn tôi, ánh mắt có vẻ vô tư.

“Tại sao? Vì không thích à?”

????

Tôi không thi đậu Thanh Hoa, là vì tôi không thích chắc???

Tôi không cưới được Ngô Ngạn Tổ, cũng là vì tôi không thích sao???

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, nói từng chữ một:

“Vì. Không. Có. Tiền.”

Thiếu gia chẳng có vẻ gì là lúng túng hay nhận ra mình vừa vô tình đụng chạm.

Anh ta chỉ “ồ” một tiếng, rồi lại quay sang nhìn ráng chiều.

“Thật ra bên ngoài cũng vậy thôi, chẳng khác là mấy, có khi trong nước còn thú vị hơn.”

Dòng xe chậm chạp nhích từng chút một.

Có lẽ do ở trong thành phố này quá lâu, mỗi lần kẹt xe là tôi lại cảm thấy bực bội.

Nhìn những tòa nhà chồng chất trước mắt, tôi càng thêm ngột ngạt.

Anh ta thấy tôi liên tục nhìn ra ngoài, mặt cũng đỏ bừng lên vì khó chịu, bèn tò mò hỏi:

“Cô tức giận à?”

“Hả?”

Câu hỏi không đầu không đuôi làm tôi ngớ người.

“Không, chỉ là cứ kẹt xe là tôi thấy bức bối. Có lẽ ở thành phố này lâu quá rồi nên dễ nổi cáu.”

Anh ta nhìn tôi như đang suy tư điều gì, im lặng một lúc rồi đột nhiên nói:

“Muốn đi đường vòng hóng gió một lát rồi về không? Chúng ta chạy một vòng quanh đường vành đai nhé? Tôi không lấy tiền.”

Thực ra, tôi cũng chẳng thích hóng gió gì cho cam.

Tôi chỉ muốn về nhà ngủ sớm.

Nhưng… không tốn tiền?

“Được thôi.”

Vượt qua ngã tư, anh ta rẽ phải vào một con đường tôi chưa từng thấy bao giờ.

Thật ra ngay khoảnh khắc anh ta đánh lái theo hướng này, tôi đã có chút hối hận.

Nhỡ đâu người này là một tên biến thái thì sao? Lỡ đâu chiếc xe này là xe thuê thì làm thế nào?

Nhưng đã rẽ rồi, giờ hối hận cũng muộn mất rồi.

Cũng may là xe không đi vào nơi nào hẻo lánh, vẫn chạy trên đường cao tốc, bám theo chỉ dẫn trên bản đồ.

Tôi dần cảm thấy an tâm hơn.

Xe chạy nhanh, ngang qua một hồ nước lấp lánh ánh sáng, thiếu gia đột nhiên hỏi:

“Cô có bạn ở đây không?”

Gió lùa vào mặt, tâm trạng tôi cũng nhẹ nhõm hơn một chút.

“Có đồng nghiệp, nhưng không có bạn bè.”

“Tại sao vậy? Không hợp nhau à?”

“Không hẳn, chỉ là bạn là bạn, đồng nghiệp là đồng nghiệp.

Có những người có thể làm việc cùng nhau nhưng không thể thân thiết, không thể trở thành bạn thực sự.”

Anh ta thở dài:

“Có lẽ là vậy, nhưng cô không thấy cô đơn sao? Không có ai bên cạnh để trò chuyện.”

Tôi nhìn anh ta.

Nhìn chiếc đồng hồ đeo tay xa xỉ, nhìn bộ quần áo với logo mà tôi chẳng nhận ra, nhìn đôi bàn tay trắng trẻo chưa từng phải chạm đến nước lạnh.

“Với những người bình thường như chúng tôi, mỗi ngày bận rộn kiếm tiền đã đủ mệt rồi.

Đâu có thời gian để mà buồn bã hay nghĩ ngợi.

Không có bạn bè cũng chẳng sao, giao tiếp cũng tốn tiền mà.”

Anh ta không nói gì, chỉ siết chặt vô lăng hơn một chút, móng tay hồng nhạt lộ ra dưới ánh đèn.

“Hôm nay thực ra là sinh nhật tôi, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai chúc tôi một câu sinh nhật vui vẻ.”

Ngồi ở ghế phụ, tôi có chút bối rối.

Nhưng rồi vẫn nở nụ cười, vỗ tay:

“Chúc cậu phúc thọ ngang trời…”

“Nghe dở quá.”

Tôi lập tức thu tay lại, quay đầu đi chỗ khác:

“Ồ…”

Nhìn tôi như vậy, anh ta bỗng bật cười:

“Đến rồi.”

Tôi tháo dây an toàn, nhìn thấy tiệm bánh gần cổng khu chung cư:

“Cậu đợi tôi một chút, chỉ một lát thôi!”

Tôi chạy vội vào mua một chiếc bánh nhỏ có sẵn, đúng hai mươi tệ, vừa bằng tiền xe.

“Chị ơi, cho em một cây nến, chỉ một cây là được.”

Cầm bánh chạy ra ngoài, anh ta đã biến mất.

Tôi cầm chiếc bánh trong tay, hơi hoang mang, lẩm bẩm:

“Thằng nhóc này, mới đó đã mất hút rồi.

Phí tiền, thôi tự ăn vậy.”

Vừa quay đầu lại, anh ta đã đứng đó, cầm lấy chiếc bánh từ tay tôi:

“Nơi đó không được dừng xe, tôi chỉ đi đỗ xe thôi.”

“À… haha… Ờm, chúc cậu sinh nhật vui vẻ!”

Anh ta mỉm cười, giơ chiếc bánh lên quan sát:

“Nhỏ thật đấy.”

Cảm ơn, không biết nói chuyện thì đừng nói nữa.

“Thôi tôi đi đây, tạm biệt!”

Anh ta đứng yên tại chỗ:

“Không để lại cách liên lạc sao? Tôi là Vương Dữ Xuyên, còn cô?”