Đám ngục tốt, ngục hữu lập tức chúc mừng, nịnh nọt, lời lẽ so với đám đại thần trên triều còn lọt tai hơn. Nhưng ta chỉ nhìn phụ thân, nỗi nhớ thương dâng trào. Mắt ta rưng rưng, nghẹn ngào nói:

“Cha, con nhất định sẽ nghĩ cách cứu cha ra ngoài!”

Phụ thân ta lập tức hoảng sợ.

Ông xua tay liên tục:

“Không được, không được! Ra ngoài là chuyện không thể nào!”

Ta sững sờ.

Đây là có ý gì?

Phụ thân chỉ vào thiên lao, vẻ mặt thỏa mãn:

“Chỗ này yên tĩnh, không ai quấy rầy. Mỗi ngày ta có thể viết được một ngàn chữ!”

Rồi ông chỉ vào đám ngục hữu:

“Vị thúc thúc này, nguyên là Giám chính Khâm Thiên Giám.”

“Vị bá bá kia, từng là Thượng thư Bộ Hình.”

“Còn có mấy người khác, đều là nhân tài từ Lễ Bộ, Quốc Tử Giám vân vân.”

“Mỗi khi ta viết sử có điều gì chưa tỏ, chỉ cần cất tiếng hỏi, lập tức có người giải đáp!”

Ta cứng đờ.

Ngục giam này… sao lại khác xa so với tưởng tượng của ta vậy?!

Phụ thân híp mắt, uống thêm một chén, hào hứng nói:

“Bộ sử ta đang viết, có thể gom đủ tinh hoa các nhà, thành một cuốn bách khoa toàn thư! Niên hiệu của tiểu hoàng đế là Trường Lạc, vậy thì gọi nó là— 『Trường Lạc Đại Điển』!”

16.

Ta ôm thư huynh trưởng gửi về từ Lưu Cầu, đọc với tâm trạng đầy hoang mang.

“Nhược nhi thân thương, khi muội đọc được bức thư này, ta đã bắt đầu viết “Liệt Truyện Tướng Sĩ” ở Lưu Cầu.”

Viết gì cơ?!

Huynh chạy đến Lưu Cầu viết cái quái gì “Liệt Truyện Tướng Sĩ”?!!

Ta hít sâu, tiếp tục đọc.

“Hai năm qua, ta đã đi qua rất nhiều nơi. Từ Lĩnh Nam, Mạc Bắc, đến Ninh Cổ Tháp, rồi giờ là Lưu Cầu.

Những nơi ta đi qua phần lớn là biên cương, nơi chiến sự triền miên, nơi các tướng sĩ lấy thân giữ thành.

Khi xưa đọc Sử Ký, ta từng không hiểu tại sao Thái Sử Công lại viết “Bản Kỷ Đế Vương”, “Liệt Truyện Vương Hầu Tướng Tướng”, nhưng lại xen kẽ “Thích Khách Liệt Truyện”, “Du Hiệp Liệt Truyện”. Những kẻ thậm chí không được luật pháp dung tha, có tư cách gì để lập truyện chứ?

Giờ ta đã hiểu.

Sử học chính là sự kế thừa và phản chiếu tinh thần của một dân tộc. Dù là những kẻ nhỏ bé, nhưng nếu họ trung nghĩa can trường, tại sao không thể được ghi vào lịch sử?

Lưu Cầu thường xuyên bị hải tặc tấn công, nơi này tràn lan giặc Oa. Ta đã gặp vô số tướng sĩ bình thường nhưng vĩ đại, ta muốn viết truyện cho họ.

Có lẽ sau khi hoàn thành “Liệt Truyện Tướng Sĩ Lưu Cầu”, ta sẽ quay lại các biên cương trước kia, tiếp tục viết về những vị tướng sĩ khác. Ta nghĩ, ta đã tìm được ý nghĩa tồn tại của mình.

Đừng nhớ, không về.”

Ta ôm thư, khóc lớn.

Phụ thân trong thiên lao biên soạn đại điển, huynh trưởng ở biên cương viết liệt truyện.

Chỉ còn lại căn nhà trống vắng…

Chỉ còn lại một kẻ vô liêm sỉ như ta.

Bọn họ đều có chốn để quay về…

Vậy còn ta?

17.

Ta lại mơ màng lên triều, vẫn như cũ, cùng Thị Lang cười đùa thảo luận về “Dã sử”.

Cho đến một ngày—

Chúng ta trò chuyện quá hăng, không phát hiện có người tiến đến gần. Nhiếp chính vương đột ngột vỗ mạnh lên vai Thị Lang:

“Cái gì mà Dã sử?”

Thị Lang sợ đến mức nhảy dựng lên. Vừa hay, bản thảo “Dã sử” hắn lén mang theo rơi xuống đất. Nhiếp chính vương cúi xuống nhặt lên, lật xem vài trang. Sắc mặt hắn từ xanh chuyển tím, từ tím sang đỏ, cuối cùng trắng bệch, ta cũng lập tức tái mét mặt mày.

Xong rồi.

Sau đó, chỉ nghe thấy tiếng gầm giận dữ vang vọng trong điện:

“LÀ AI?! RỐT CUỘC CÁI TÊN ‘THẢO THẠCH TỬ’ Ở GIANG CHÂU LÀ AI?!
BỔN VƯƠNG MUỐN XẺ THÂN HẮN THÀNH VẠN MẢNH!!!”

18.

Buổi triều hôm đó, đột nhiên biến thành hội nghị phân tích “Dã sử”.

Nội dung trong sách bảy phần hư cấu, ba phần sự thật, thậm chí còn am hiểu triều đình tường tận. Nhìn kiểu gì cũng thấy là người trong nội bộ viết ra!

Nhiếp chính vương ánh mắt sắc như dao:

“Thị Lang! Quyển sách này rơi ra từ người ngươi, có phải ngươi viết không?!”

Thị Lang biến sắc, vội vàng chối tội.

Là cáo già lười biếng trong triều, kỹ năng đổ vỏ của hắn đạt cấp thượng thừa. Hắn lập tức chỉ sang ngôn quan:

“Hắn cũng thích đọc!”

Nhiếp chính vương lập tức nhìn về phía ngôn quan. Ngôn quan lạnh lùng trừng Thị Lang:

“Ta đọc không phải do ngươi dúi vào tay ta sao? Rốt cuộc có khi nào ta chủ động đi mua đâu? Nói không chừng, chính ngươi mới là người viết!”

Hắn hừ lạnh một tiếng, trào phúng tiếp:

“Ngươi cũng hay nhỉ, bao năm nay đều do ta đứng trước triều mắng, còn ngươi thì vờ làm kẻ hòa giải. Lẽ nào bao lâu nay, lòng trung thành của ngươi lại ẩn giấu sâu sắc đến vậy? Lần sau không bằng giống ta, dũng cảm mắng thẳng mặt luôn đi!”

Thị Lang nào dám?!

Hắn liên tục xua tay, lại chỉ sang ta:

“Sử quan ngày nào cũng bàn luận về sách này với ta. Biết đâu chính nàng là người viết?!”

Nhiếp chính vương quay đầu, nhìn ta chằm chằm, hắn trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu. Cuối cùng, hắn lắc đầu.

“Không thể nào. Tên “Thảo Thạch Tử” này vừa nghe đã biết là kẻ xuất thân thô lậu, cứng rắn ngang bướng như đá! Sao có thể là sử quan?”

Ta kinh ngạc ngẩng đầu.

Còn có thể phân tích như vậy sao?!

Giang Châu là tổ quán của ta.

Dù từ nhỏ lớn lên ở kinh thành, nhưng thỉnh thoảng vẫn về Giang Châu tế tổ. “Thảo Thạch Tử”— Tên “Nhược” trong danh tự của ta, tách ra liền thành “Thảo” và “Thạch”. Còn chữ “Tử” là kính xưng, nghe có vẻ học vấn cao thâm.

Nhiếp chính vương lại tùy tiện lật vài trang “Dã sử”. Hắn càng đọc, càng chắc chắn với suy đoán của mình. Cuối cùng, hắn vỗ bàn, trầm giọng phán quyết:

“Văn chương dơ bẩn, ngôn từ hạ lưu! Thứ văn chương ba xu này, sao có thể là tác phẩm của sử quan chúng ta— Những kẻ có đức hạnh hiền lương?!”

Ta lệ nóng doanh tròng, vỗ tay tán thưởng:

“Điện hạ quả nhiên minh mẫn như đuốc sáng!”

19.

Nhưng Nhiếp chính vương là kẻ thù dai nhất thiên hạ. Hắn không bao giờ chịu đựng được việc thanh danh của mình bị bôi nhọ. Huống hồ, cái thứ “Dã sử” hỗn loạn này, nếu để lại hậu thế, chẳng phải hắn sẽ bị đóng đinh vào sử sách với vạn niên ô danh sao?!

Bách tính tầm thường, ai mà đi đọc chính sử chứ?

Trong mắt họ, “Tam Quốc Chí” với “Tam Quốc Diễn Nghĩa” chẳng phải là một sao?

Tào Tháo chính là kẻ “Thà phụ thiên hạ, không để thiên hạ phụ ta”. Chu Du là bị Gia Cát Lượng chọc tức đến chết. Mà Gia Cát Lượng là tiên nhân giáng thế, có thể gọi gió hô mưa.

Còn ai quan tâm chính sử viết thế nào?

Thế mà, lại có kẻ đổ thêm dầu vào lửa, kích thích hắn:

“Hề hề, Nhiếp chính vương của ta ơi, ngài đọc ‘Trư Lâm Dã Sử’ chưa? ‘Trư Lâm Dã Sử’ chính là câu chuyện xoay quanh tuyệt thế mỹ nhân Xuân Thu—Hạ Cơ. Tương truyền, Hạ Cơ mỹ mạo vô song, lấy chồng ở nước Trần. Sau khi thành quả phụ, lại còn dắt theo một đứa con nhỏ.

Xưa nay, góa phụ vốn đã lắm thị phi, huống hồ lại là góa phụ tuyệt sắc. Nghe đồn, nàng “chăn gối” với nửa triều đình nước Trần, từ công hầu khanh tướng, đến sĩ phu đại phu, tất cả đều quỳ rạp dưới chân nàng.

Trong dã sử, có đoạn viết:

“Mỗi khi hoan lạc cùng nhân tình, Hạ Cơ sẽ tặng một món y phục thân cận cho người ấy.
Kẻ nào nhận được, liền xem đó như vinh quang.”

Một ngày nọ, trên triều nước Trần, một vị đại thần đắc ý lôi từ trong tay áo ra một chiếc quần lót thêu hoa, khoe khoang: “Hề hề, đây là Hạ Cơ tặng ta!”

Một đại thần khác tức đỏ mắt, hắn cũng từng tư thông với Hạ Cơ, vì sao người có, hắn lại không có?! Thế là, hắn lập tức chạy đến đòi Hạ Cơ tặng lễ vật.

Ngày hôm sau, trên triều đình, hắn cũng hí hửng rút từ trong tay áo ra một chiếc yếm xanh biếc. Triều đình nước Trần, trở thành chiến trường ghen tuông của đám nhân tình Hạ Cơ.

Quân chủ nước Trần thấy vậy, lại thở dài:

“Tại sao các khanh đều có, mà cô lại không có?”

Thế là, hắn cũng trèo lên giường Hạ Cơ, cũng nhận được một chiếc váy lụa nhỏ. Từ đó về sau, triều đình nước Trần thành nơi các tình nhân của Hạ Cơ tranh giành tình cảm lẫn nhau.”

Người kích động Nhiếp chính vương lại nói:

“Dù Trư Lâm Dã Sử có bịa đặt đến đâu, nhưng chính sử vẫn ghi nhận Hạ Cơ là tuyệt sắc giai nhân, tuổi bốn mươi vẫn đẹp như thiếu nữ mười bốn. Vậy nên, cái chuyện ‘cung đình khoe yếm’, dù thật hay giả, cuối cùng cũng thành ‘sự thật’. Vậy ngài nghĩ xem, mấy chục năm sau, chính sử sẽ viết về ngài thế nào?”

Nhiếp chính vương đại nộ, hắn thề phải tìm ra cái kẻ “Thảo Thạch Tử” kia!

Còn ta?

Ta ở nhà run rẩy.

Vừa chuẩn bị gom hết bản thảo mang đi đốt, Nhiếp chính vương đạp cửa xông vào.

“Hay thật đấy! Ngày phòng đêm phòng, cuối cùng cũng không bằng phòng kẻ phản bội ngay trong nhà!!! Hóa ra ngươi chính là cái kẻ viết dã sử đó?!”

Ta khiếp sợ, lập tức bỏ chạy.

Nhưng ta làm sao là đối thủ của Nhiếp chính vương, kẻ từng xông pha chiến trường?

Hắn túm cổ áo ta, kéo giật lại, thuận tay, hắn chộp lấy một trang bản thảo bị cháy xém một góc, đọc thử. Vừa xem, hắn liền tức đến nghiến răng nghiến lợi:

“Bổn vương câu dẫn tiên đế, lại còn bỏ kịch độc xuống rãnh nước? Ngươi viết dã sử, sao lại dã đến mức này?!”

Huhuhu.

Xem ra, cái kết của “Dã sử” này, sợ là không có cơ hội ra mắt thế gian rồi!

20.

Ta không hiểu tại sao thân phận mình lại bị bại lộ.

Nhiếp chính vương lạnh lùng cười:

“Chuyện này có thể làm khó được ta sao?”

Hắn trước tiên tra hỏi Thị Lang, Thị Lang chống đỡ không nổi, đành dẫn hắn đến thư cục, nhưng chưởng quỹ thư cục cũng không chịu được lâu. Hắn run rẩy giải thích:

“Thật sự là ta không biết cô ấy là ai! Quy tắc của chúng ta là không được tùy tiện vạch trần thân phận tác giả! Nếu không, sau này những người có địa vị cao còn ai dám viết những loại sách này nữa?!”

Ai biết được?

Những kẻ chuyên viết dâm thư, rất có thể chính là danh nho, đại học sĩ.

Nhiếp chính vương nhíu mày, sắc mặt càng lúc càng lạnh. Hắn định lệnh tống chưởng quỹ vào đại lao. Chưởng quỹ sợ đến mức bật khóc, vội vã móc ra bản thảo của ta:

“Đây là bản thảo viết tay của ‘Thảo Thạch Tử’! Những gì ta biết đều nằm trong này!”

Nhiếp chính vương trầm ngâm nhận lấy. Bên cạnh, Thị Lang không nhịn được, bật thốt lên:

“Đây là bản gốc thật sao? Vết dầu mỡ trên này vẫn còn, là lúc ta vừa đọc vừa ăn đùi gà làm rơi xuống đây!”

Nhiếp chính vương đại nộ, hắn nắm cổ áo Thị Lang, gằn giọng:

“Quả nhiên là ngươi, lão tiểu tử!”

Thị Lang sợ đến mức liên tục xua tay:

“Không phải ta! Thật sự không phải ta! Bản thảo này vốn dĩ ở nhà sử quan!”

Vậy là phá án xong rồi.

Dù ta đã cố tình thay đổi nét chữ, nhưng cuối cùng vẫn bị nhận ra.

Đều là trò đùa của số phận.

Ta thở dài, buông xuôi tất cả.

“Vậy thì bắt ta đi, dù sao trong nhà cũng chỉ còn lại một mình ta, làm quan cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.”

21.

Ta bị tống vào thiên lao, trở thành bạn tù của phụ thân.

Phụ thân vô cùng vui vẻ:

“Tốt lắm, cuối cùng cha con ta cũng đoàn tụ. Nếu huynh trưởng ngươi cũng ở đây thì càng trọn vẹn!”

Huynh trưởng ta ư?

Thôi đừng chờ nữa, hắn còn bận rong ruổi biên cương, viết truyện về đám tướng sĩ.

Sống tốt lắm!

Lần đầu tiên, Nhiếp chính vương đích thân đến thiên lao.

Nơi đây, chật kín những vị đại thần từng bị hắn giam cầm, nhưng hắn chỉ đến tìm ta. Không trách được, cả triều đều bảo ta là “sủng thần” của hắn.

Nhiếp chính vương xót xa nhìn ta, hận không thể nghiến răng:

“Bổn vương vốn nghĩ ngươi khác bọn họ… Ai ngờ ngươi còn quá đáng hơn lũ già này! Quả thực là không thể dung thứ!”

Hắn đã thức cả đêm, đọc hết “Dã sử”. Dưới mắt, hai quầng thâm to như nắm đấm.

Thực lòng mà nói, nếu nhân vật chính không phải là hắn, thì câu chuyện này viết cũng khá lắm!

Nhưng mà—

“Bổn vương bây giờ xấu hổ đến mức không dám ra ngoài! Dân chúng nghe thấy tên bổn vương, tất cả đều lộ ra nụ cười ‘hiểu ý’! Bổn vương đã bao giờ chịu nhục thế này?!”

Thân phận đã bại lộ, tù ngục cũng vào rồi, ta không thèm che giấu nữa.

Ta nhún vai, dửng dưng nói:

“Vậy phải làm sao? Giết ta để tế danh tiếng của ngài?”

Nhiếp chính vương tức đến mức không nói nên lời. Thậm chí, mắt hắn còn đỏ lê, hắn nghẹn giọng thốt ra từng chữ:

“Bổn vương đã nhọc lòng một đời, không phải chỉ để có một cái danh tốt thôi sao? Bổn vương không hiểu. Bổn vương giết hôn quân, bảo vệ đất nước, lẽ ra phải là công thần. Tiểu hoàng đế bây giờ cũng từ hoàng tộc, bổn vương không hề làm loạn huyết thống, cũng chưa từng có ý soán vị. Vậy tại sao các ngươi… Luôn nhằm vào bổn vương?”

Ta trầm mặc hồi lâu, rồi nhẹ giọng hỏi hắn:

“Điện hạ có thích đọc sử không?”

Nhiếp chính vương cao mày:

“Bổn vương xuất thân võ tướng, đọc nhiều binh thư, chứ không đọc sử thư. Ngươi cũng biết, phần lớn chính sử đều khô khan khó đọc. Chẳng ai viết sử theo kiểu của ngươi…”

Hắn húng hắng ho:

“Tóm lại là khó hiểu!”

Ta nói với hắn:

“Đọc sử làm người sáng suốt. Bởi vì không quên chuyện trước, thì mới có thể rút ra bài học cho sau này. Những thắc mắc của ngài, sử sách đều đã có câu trả lời. Trong sách vở thời Tiên Tần, đã từng ghi rằng: ‘Phòng miệng dân, còn khó hơn phòng lũ lụt.’ Ngài càng cấm người ta nói, họ lại càng đồn đại nhiều hơn.”

Nhiếp chính vương từng cấm phụ thân và huynh trưởng ta ghi chép sự thật.

Nếu chính sử cũng không còn đáng tin, vậy thì mọi người chỉ còn cách đọc dã sử. Dù chính sử chưa chắc đã chính, nhưng dã sử chắc chắn rất dã.

Ta nhìn hắn, chậm rãi nói:

“Nếu ngài để tất cả những việc mình làm được ghi lại trung thực, chưa chắc ngài sẽ bị hậu thế chỉ trích.”

Giết vua vốn là tội đại nghịch, nhưng suốt những năm qua, Nhiếp chính vương cần chính yêu dân, chưa từng lấn át tiểu hoàng đế, không có ý muốn xưng đế.

Lúc ban đầu, hắn chỉ muốn tiên đế hôn quân kia thoái vị. Chỉ là, hắn không chịu nổi ai nói điều xấu về mình. Sợ bị mang tiếng xấu, nên trong thiên lao này, mới có nhiều trung thần nghĩa sĩ đến thế.

Nhiếp chính vương nghe xong, cả người run lên một chút. Hắn trầm mặc hồi lâu, cuối cùng lặng lẽ rời đi.

Trước khi đi, hắn thấp giọng thì thầm:

“Bổn vương sẽ nghĩ lại… Sẽ nghĩ lại thật kỹ…”

22.

Sau Tết, Nhiếp chính vương thả ta khỏi thiên lao. Không chỉ vậy, hắn còn thả tất cả đại thần từng bị giam vì lăng mạ hắn. Nhưng phụ thân ta và đám ngục hữu mắng càng hăng hơn:

“Nhiếp chính vương phát điên rồi sao?! Bọn ta đang biên soạn đại điển, giờ bị đuổi ra ngoài thì làm sao viết tiếp?!”

Nhiếp chính vương nghe tin, đích thân an bài.

Hắn chuẩn bị một tòa viện rộng rãi, cung cấp đầy đủ vật dụng.

“Từ nay về sau, các ngươi cứ ở đây biên soạn đại điển. Triều đình mỗi tháng còn phát bổng lộc.”

Nhưng phụ thân và các vị đại thần vẫn chưa hài lòng. Nhiếp chính vương thừa hiểu bọn họ nghĩ gì. Hắn nhếch môi cười nhẹ, ung dung phán:

“À phải rồi, để các ngươi chuyên tâm biên soạn, trước khi đại điển hoàn thành, không ai được phép rời khỏi đây. Người thân muốn đến thăm, cũng phải có sự đồng ý của bổn vương.”

Hảo hảo.

Đổi một nơi khác để… tiếp tục ngồi tù.

Còn ta?

Lại bị khôi phục chức quan.

Nhiếp chính vương nói:

“Sử sách vẫn phải do ngươi ghi chép. Trên triều không có ngươi, bổn vương luôn cảm thấy thiếu thứ gì đó.”

Hắn nhẹ nhàng thở dài:

“Công tội thị phi, chi bằng để hậu thế luận bàn.”

24

Năm tiểu hoàng đế tròn mười lăm, chính thức thân chính. Nhiếp chính vương rời khỏi kinh thành, về đất phong của mình.

Huynh trưởng ta hoàn thành “Liệt Truyện Tướng Sĩ”. Từ biên niên Lưu Cầu, Lĩnh Nam, Mạc Bắc, giờ đây hắn đang viết về Ninh Cổ Tháp.

Phụ thân ta và các vị thúc bá cũng hoàn thành “Trường Lạc Đại Điển”.

Còn ta—

Nhận lấy cây bút sử quan gia truyền.

Trong thư, huynh trưởng viết:

“Theo sự thật mà chép sử, là trách nhiệm của sử quan. Hiện giờ muội đã làm được, cây bút này, nên giao lại cho muội.”

Ta mang theo cây bút sử quan mỗi khi thượng triều.

Nhưng khi hạ triều hoặc ngày nghỉ, ta cất kỹ cây bút đó.

Chờ đến khi đêm khuya yên tĩnh, ta lại cười gian xảo, mở tập giấy ra…

Viết tiếp “Dã sử”.

Chỉ là, lần này nhân vật chính không còn là Nhiếp chính vương nữa.

Những đọc giả trí thức vẫn mê mẩn những câu chuyện như vậy, bọn họ phát cuồng truyền tay nhau tác phẩm mới của ta. Rồi có kẻ tinh mắt phát hiện:

“Này, nhìn xem! ‘Thảo Thạch Tử’ ở Giang Châu nói muốn thu đồ đệ! Ai thích viết sử, có thể gửi tác phẩm của mình cho hắn!”

Về sau, ta thu nhận được vài đồ đệ. Có kẻ chuyên viết dã sử, cũng có người thích biên soạn chính sử. Nhìn họ, ta cảm thấy vô cùng mãn nguyện.

Bánh xe lịch sử cứ thế lăn về phía trước.

Mà chúng ta.

Là những kẻ ghi lại lịch sử.

Hoàn chính văn