Trưa hôm sau, gần đến giờ ăn tôi mới ghé bệnh viện.

Lúc này phòng cấp cứu không bận, tôi tìm đến phòng khám của Thiệu Tuấn, thấy anh đang ngồi viết bệnh án.

Tôi gõ nhẹ lên cửa.

Anh ngẩng đầu lên.

“Tôi đến lấy thẻ xe buýt.”

Anh đặt tay lên mặt thẻ, đẩy về phía tôi.

Tôi vươn tay định lấy thì anh ấn chặt lại.

Tôi ngẩng đầu lên: “Làm gì đấy?”

“Muốn gặp tôi thì không cần dùng cách này.”

Tôi: Gì cơ???

Bị anh chọc tức, tôi bật cười: “Bác sĩ Thiệu có vẻ quên rồi, tôi đã có bạn trai rồi đấy.”

Anh buông tay, khoanh tay tựa vào ghế, ánh mắt đầy châm chọc:

“Lục vị địa hoàng hoàn không có tác dụng. Nếu cần, tôi có thể kê Sildenafil cho anh ta.”

Tôi cười nhạt: “Không cần đâu, dù sao anh ấy cũng trẻ hơn bác sĩ Thiệu nhiều. Hơn nữa, nếu có vấn đề thật, tôi có thể đổi người bất cứ lúc nào.”

Lần này, Thiệu Tuấn không phản bác.

Chỉ nhìn tôi, ánh mắt lạnh đến mức khiến người ta rét run.

Giống như đang muốn hỏi: “Dễ dàng thay thế như vậy, giống như em đã từng thay thế tôi sao?”

Tôi cúi đầu, nhét thẻ xe buýt vào túi.

Không muốn nói thêm nữa, tôi xoay người rời khỏi phòng khám.

Đôi khi vận xui đến, nó sẽ kéo theo cả chuỗi xui xẻo.

Vừa ra khỏi phòng khám, tôi đã đụng ngay bà cô Tô Phân—mẹ của thằng em họ tôi.

Thấy tôi, bà ta lập tức bước tới:

“Hiểu San, đúng là cháu rồi sao? Hôm qua đến bệnh viện mà chẳng thấy bóng dáng cháu đâu. Bao nhiêu năm không liên lạc, sao cũng không nghĩ đến gặp gỡ cô một chút hả?”

Tôi liếm môi, chuyển chủ đề: “Tiểu Lỗi vẫn chưa xuất viện à?”

“À, cô tính để nó ở lại theo dõi thêm một ngày, hôm nay mới làm thủ tục xuất viện.”

Bà ta lải nhải thêm một tràng dài, cuối cùng cũng đi vào vấn đề chính.

“Nghe Tiểu Lỗi nói, cháu đang làm việc ở quán bar? Chỗ đó loạn lắm, sao cháu không liên lạc với bố cháu? Ông ấy không biết cháu đang làm gì, sốt ruột tìm cháu khắp nơi…”

Tôi cắt ngang: “Cháu có liên lạc với Tô Trấn hay không là chuyện của cháu, không phiền cô phải lo.”

“Cái con bé này nói chuyện kiểu gì thế hả?!”

Bà ta cao giọng, “Bố cháu có sai lầm, nhưng ông ấy vẫn là bố cháu! Cháu nói ông ấy có lỗi với ai cũng được, nhưng với cháu thì không!”

Tôi hít sâu một hơi, cố kìm nén:

“Cô có thể bớt lo chuyện bao đồng giúp cháu không?”

Tô Phân sững lại, sau đó tức giận lớn tiếng:

“Cháu nghĩ cô muốn quản chắc?!”

Tiếng cãi vã thu hút ánh nhìn của những người xung quanh.

Tôi siết chặt nắm tay, móng tay cắm vào lòng bàn tay, chỉ muốn chạy trốn khỏi nơi này.

“Xin lỗi, khu vực khám bệnh, vui lòng giữ trật tự.”

Giọng nói quen thuộc vang lên.

Tôi quay đầu, nhìn thấy Thiệu Tuấn.

Anh đứng đó, hai tay đút túi áo blouse trắng, môi mím chặt, ánh mắt từ đầu đến cuối đều dán chặt vào Tô Phân, lạnh lùng đến mức không nhìn ra cảm xúc gì.

Hẳn là bà ta nhận ra anh, vội vàng dịu giọng giải thích vài câu, rồi trừng mắt nhìn tôi một cái trước khi rời đi.

Tôi mím môi, cũng không nói cảm ơn.

Chỉ xoay người, bước đi.

Ra khỏi sảnh khám bệnh, tôi nghe thấy tiếng bước chân phía sau.

Thiệu Tuấn đi theo tôi.

Tôi dừng lại, lạnh giọng: “Xem đủ chuyện vui chưa?”

Anh cúi mắt nhìn tôi, ánh mắt khó đoán.

Một lát sau, anh rút từ túi ra thứ gì đó, đưa tới:

“Đừng dùng lại chiêu này lần thứ hai.”

Là thẻ xe buýt của tôi.

Tôi theo phản xạ sờ vào túi áo, trống trơn.

Không biết lúc nào lại đánh rơi nữa rồi.

Tôi giật lấy thẻ, nghiến răng nói: “Cảm ơn.”

Anh vẫn đứng đó, không có ý rời đi.

Tôi nhíu mày: “Còn chuyện gì nữa không?”

“Đó là em họ cô?”

“Tôi nghĩ là sao?”

“Không có gì.”

Anh khẽ cụp mắt, trông có vẻ mệt mỏi.

“Chỉ là muốn nhắc cô, không cần diễn vở ‘bạn trai mới’ kém cỏi trước mặt tôi. Dù sao thì, chúng ta đã chia tay rồi. Cô thế nào, không liên quan đến tôi.”

Tôi siết chặt môi, nhỏ giọng đáp: “Tốt nhất là vậy.”

Rồi xoay người rời đi.

Lên xe buýt, tôi cúi đầu, lật qua lật lại chiếc thẻ trong tay.

Chợt cảm thấy thật nực cười.

Chỉ vì tấm thẻ này, quá khứ tôi dốc sức che giấu, lại vô tình phơi bày trước mặt Thiệu Tuấn.

Nhưng may mắn là, không phải tất cả.

May mắn là, chúng tôi đã chia tay.

Lúc này, em họ nhắn tin đến:

“Xin lỗi chị, mẹ cứ hỏi mãi chị làm gì, em lỡ miệng nói ra mất rồi.”

Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình.

Muốn trả lời “Không sao đâu”, nhưng không cách nào gõ ra được.

Rõ ràng nó đã hứa sẽ không nói với ai.

Nó nói hiểu tôi, tôi cũng cố gắng chấp nhận nó như một người thân.

Lúc nó hôn mê, tôi đã chạy ngược chạy xuôi lo hết mọi chuyện, bỏ tiền túi ứng trước mấy triệu viện phí.

Nhưng cuối cùng, chỉ một câu “Xin lỗi” nhẹ bẫng, nó lại kéo tôi về vũng lầy.

Ngoài trời u ám, mưa bụi bắt đầu rơi.

Tôi không trả lời tin nhắn.

5

Điều tôi lo lắng nhất, cuối cùng cũng xảy ra.

Vài ngày sau, Tô Trấn tìm đến quán bar nơi tôi làm việc.

May mắn là hôm đó tôi được nghỉ, nên ông ta không gặp được tôi.

Ông chủ kể lại chuyện này, tôi có chút bàng hoàng.

Ông ấy ngập ngừng một lúc, rồi nói thêm:

“Hôm qua, bạn trai cũ của cô cũng đến đây.”

Tôi sững người.

Thiệu Tuấn đến làm gì?

Tìm tôi sao?

Nghĩ đến đây, tôi không nhịn được bật cười.

Anh ta đã nói tôi không liên quan gì đến anh nữa, thì sao có thể là đến tìm tôi chứ.

Vì lo Tô Trấn lại đến, tôi xin nghỉ vài ngày.

Sợ bị phát hiện chỗ ở, tôi đến nhà Kiều Kiều ở nhờ.

Ban đêm tâm sự, tôi nói với Kiều Kiều:

“Tớ định chuyển thành phố sống.”

“Cậu vất vả lắm mới ổn định được ở đây, thế mà nói đi là đi à?”

Cô ấy càu nhàu.

Rồi bỗng chần chừ hỏi:

“Hiểu San, bố cậu đối xử với cậu tệ lắm à? Đánh đập, mắng chửi, đòi tiền các kiểu?”

Tôi lắc đầu.

“Vậy sao cậu lại sợ ông ta đến thế?”

“Tớ không sợ.”

Tôi cúi đầu.

“Tớ chỉ hận ông ta.”

Kiều Kiều còn muốn hỏi tiếp, nhưng tôi cắt ngang:

“Để sau đi, tớ hơi mệt rồi.”

Cô ấy gật đầu: “Được.”

Tắt đèn, ánh trăng len qua rèm cửa, chiếu lên người Kiều Kiều đang ngủ say.

Không biết bao lâu sau, cơn buồn ngủ mới kéo đến.

Tôi chui sát vào Kiều Kiều, khẽ nói:

“Cảm ơn cậu.”

Sáng hôm sau, tôi ngủ thẳng đến trưa.

Kiều Kiều đi làm, tôi loanh quanh dạo phố cả buổi.

Suy nghĩ suốt một buổi chiều, cuối cùng tôi quyết định nghỉ việc ở quán bar.

Buổi tối, tôi định đến nói chuyện với ông chủ, nhưng trước khi ra khỏi nhà, tôi nhận được tin nhắn từ Thiệu Tuấn.

Một bức ảnh.

Kèm theo dòng chữ:

“Đồ em để ở chỗ tôi, rảnh thì qua lấy.”

Trong ảnh là đôi dép, bàn chải đánh răng, mấy thứ đồ dùng sinh hoạt lặt vặt.

Lúc còn bên nhau, thỉnh thoảng tôi ngủ lại nhà anh.

Cho tiện, tôi mua không ít đồ để ở đó.

Giờ chia tay rồi, mấy thứ ấy cũng chẳng khác gì rác.

Tôi nhắn lại: “Không cần nữa, phiền anh vứt đi.”

Thiệu Tuấn không trả lời.

Đến quán bar, tôi nói với ông chủ muốn nghỉ việc.

Ông ấy đi tìm kế toán tính tiền lương, bảo tôi chờ một lát.

Tôi ngồi ở quầy bar, tiện tay gọi một ly rượu.

Lúc cảm nhận được một luồng khí lạ phía sau, tôi theo phản xạ quay đầu.

Một đôi mắt đờ đẫn, vô hồn dán chặt lên người tôi.

Nhưng ngay khi thấy rõ mặt tôi, ánh mắt đó đột nhiên trở nên sắc bén, điên cuồng.

Bà ta túm chặt lấy vai tôi, hét lên:

“Tô Hiểu San! Con gái của một tên tội phạm cưỡng hiếp, mày còn dám ngồi đây thảnh thơi thế này sao?!”

6

Tiếng nhạc trong quán bar rất lớn.

Nhưng giọng hét của bà ta còn sắc hơn dao, xé toạc không gian ồn ào, kéo theo ánh mắt của tất cả mọi người đổ dồn về phía tôi.

Nếu có thể, tôi thà rằng cả đời này không bao giờ gặp lại người đàn bà này.

Một nỗi sợ khủng khiếp ập đến, như những bàn tay ma quái vươn ra từ vũng bùn, lôi tôi vào bóng tối sâu thẳm.

“Con gái tôi đã bị hủy hoại cả đời, tại sao mày vẫn có thể sống vui vẻ?!”

Bà ta gào thét, rít lên trong cơn phẫn nộ.

Ngón tay siết chặt đến mức khiến vai tôi đau buốt, nhưng tôi vẫn bất động.

Âm nhạc và tiếng la hét méo mó, vụn vỡ.

Ánh đèn mờ tối quay cuồng.

Rồi tôi nghe thấy những giọng nói đầy giễu cợt, từng tràng cười khinh miệt.

Tiếng nước xả trong nhà vệ sinh.

Tiếng tát giòn tan, từng cái, từng cái một.

Cái ba lô rơi từ tầng năm xuống.

Nước bẩn từ cây lau nhà tạt lên đầu.

Những lời nguyền rủa viết kín bàn học.

Tôi như một kẻ đứng ngoài, dõi theo từng cảnh tượng đen trắng vụt qua trước mắt.

Bóng tối bao trùm, xung quanh tôi là những cái bóng lờ mờ.

Tôi không thấy rõ khuôn mặt họ.

Chỉ thấy ai cũng nhếch mép cười, nụ cười méo mó quái dị.

“Sao nó không khóc?”

“Nó là con gái của một tên cưỡng hiếp, nó có tư cách gì mà khóc?”

Phải rồi.

Tôi có tư cách gì mà khóc?

Tôi có tư cách gì…

Đến khi ly rượu đập thẳng vào trán tôi, tôi mới bừng tỉnh.

Ông chủ và bảo vệ cùng lao đến kéo người đàn bà trước mặt tôi ra.

Bà ta vẫn điên cuồng chửi bới, gào thét.

Đôi mắt đỏ ngầu đầy những tia máu giận dữ.

Tôi há miệng.

Muốn nói gì đó.

Nhưng khi dòng máu nóng chảy dọc theo trán, lăn xuống gò má, nhỏ từng giọt xuống sàn…

Tôi lại chẳng nói nổi một lời.

7

Trong đồn cảnh sát.

Ghi lời khai xong, một viên cảnh sát bước đến giải thích:

“Tưởng Huệ là người nghiện ma túy có trong hồ sơ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà ta vừa tái nghiện. Chúng tôi sẽ đưa bà ta vào trại cai nghiện. Cô làm xong thủ tục là có thể về.”

Tôi sững sờ.

Viên cảnh sát liếc qua vết thương sơ cứu trên trán tôi, hỏi:

“Cô có muốn đến bệnh viện kiểm tra lại không? Mưa vẫn đang rơi, hay gọi người thân hoặc bạn bè đến đón đi?”

Tôi lắc đầu, bước ra khỏi đồn trong trạng thái tê dại.

Vừa cúi đầu bước đến cửa, một đôi giày da xuất hiện trước mặt tôi.

Tôi ngẩng đầu.

Thiệu Tuấn đứng đó, cúi mắt nhìn tôi.

Hàng mày hơi nhíu lại, môi mím chặt thành một đường thẳng.

Trên áo anh dính vài giọt mưa, cả người như vừa đi một quãng đường dài trong gió lạnh.

Chỉ trong khoảnh khắc ấy, tôi như nhìn thấy một ngọn lửa ấm áp giữa đêm mưa giá lạnh.

Tôi mấp máy môi, giọng khàn đặc:

“Sao anh lại đến đây?”

Anh không trả lời.

Từ sau khi chia tay, Thiệu Tuấn gần như chưa bao giờ để lộ cảm xúc trước mặt tôi.

Nhưng lúc này đây, cả người anh ấy tỏa ra một luồng sát khí mạnh mẽ.

Tôi cúi đầu, dựng lên lớp gai nhọn quen thuộc:

“Anh gấp gáp đến vậy, chỉ để xem tôi thảm hại thế nào à?”

Anh đột nhiên nắm chặt cổ tay tôi, động tác mạnh đến mức làm tôi hơi đau.

Như thể đang cố kiềm chế điều gì đó, anh dừng lại một lúc, rồi thấp giọng nói:

“Đến bệnh viện.”

“Không cần.”

Tôi bướng bỉnh từ chối: