Thế nên, nó vẫn còn nằm ở nhà cũ.

Sau khi Lý Hảo Hảo đi giày mới, nó liền chụp ảnh theo kiểu “lưới chín ô” đăng lên mạng xã hội.

Bài đăng nhận được rất nhiều lượt thích.

Có người hỏi nó lấy đôi giày từ đâu?

Nó ngập ngừng rất lâu mới trả lời một câu:

“Chị tao.”

Tiếp đó, có người hỏi:

“Chị nào?”

Nó mới chịu gửi tin nhắn cho tôi:

“Chị tốt bụng của em, chị cả đáng yêu của em, em biết chị thương em nhất mà! Em cũng biết dạo này chị mới phát tài nho nhỏ. Nếu tiện, chị có thể mua thêm cho em một chiếc áo đấu có chữ ký của Kobe không? Không đắt đâu, chỉ có 300.000 tệ thôi mà.”

Haha, “chỉ có 300.000 tệ thôi”, đúng là hay ho thật.

Còn tin nhắn từ Lý Phù Phù thì lại là một lời chất vấn:

“Chị, tại sao chị chỉ mua giày cho Lý Hảo Hảo, mua ghế massage cho mẹ, mà không mua gì cho em cả? Em không chỉ có quan hệ máu mủ với chị, em còn là em gái ruột của chị nữa đó! Hồi nhỏ đi ăn tiệc ở quê, chị xấu hổ không dám gắp thức ăn, không phải em đã gắp giúp chị đầy bát sao? Chị quên rồi à?”

“Em cho chị một cơ hội chuộc lỗi! Chị dẫn em đi châu Âu một chuyến nhé? Em vừa lấy được visa rồi! Nhưng công ty vẫn chưa cho em đi làm, nói là em chưa từng đi châu Âu, chưa có kinh nghiệm. Thế nên chị dùng cái tiền bản quyền gì đó để đi cùng em mở mang kiến thức một chút đi! Chị cũng thích du lịch mà, chuyện này đúng là đôi bên cùng có lợi còn gì!”

Tôi không trả lời tin nhắn của Lý Hảo Hảo và Lý Phù Phù.

Tôi chặn thẳng hai đứa.

Hai ngày sau.

Người đã chặn tôi trước đó—Ngô Ái Hoa, bỗng nhiên gọi video cho tôi.

Tôi từ chối.

Một tuần sau.

Bà ta tìm đến nhà mới của tôi.

Vừa nhìn thấy tôi, bà liền quỳ xuống.

Phía sau bà là Lý Phù Phù và Lý Hảo Hảo đang giơ điện thoại quay video, cùng với mấy người thân quen mặt.

Tôi dắt Hổ Nữu từ công viên chó về nhà.

Nhìn thấy mấy người đứng dưới tòa chung cư, tôi lập tức có dự cảm không lành, liền xoay người định tránh đi.

Nhưng mẹ tôi tóm chặt lấy tôi.

“Đường Tuệ! Tuệ Tuệ! Con gái lớn của mẹ!”

“Cha dượng con bị tai nạn xe, liệt toàn thân rồi! Tiền viện phí đã tiêu hết 500.000 tệ! Mẹ vét sạch gia sản, quán cũng đang rao bán, nhưng vẫn không gom đủ tiền…

“Mẹ cầu xin con, cứu ông ấy đi…”

Bà níu tôi chặt đến đau điếng, còn Hổ Nữu thì vì tiếng khóc lóc của bà mà sợ hãi co rúm lại dưới chân tôi.

Tôi cảnh giác hỏi lại:

“Không phải lừa con đấy chứ?”

Bên cạnh, Lý Hảo Hảo và Lý Phù Phù đỏ mắt, nhìn tôi căm phẫn, cứ như thể tôi là tài xế gây tai nạn vậy.

Lý Hảo Hảo gào lên:

“Ai rảnh mà đem chuyện này ra đùa?! Đó là bố tôi! Ông ấy thực sự đang nằm chờ chết trong bệnh viện!”

Lý Phù Phù thì nhẹ nhàng hơn, giọng nghẹn lại:

“Chị ơi, chúng ta đều là người một nhà, không ai muốn lừa chị cả… Em xin chị, cứu bố em đi… Hồi nhỏ, ông ấy cũng từng đối xử tốt với chị mà, đúng không?”

Tôi cố nén cảm xúc, tiếp tục hỏi:

“Vậy tài xế gây tai nạn phải bồi thường bao nhiêu? Đã làm thủ tục bảo hiểm chưa?”

Cả ba người đều không trả lời.

Một người họ hàng ấp úng nói thay:

“Là do cha dượng con uống rượu, vô ý vượt đèn đỏ. Tài xế gây tai nạn… đã mất rồi. Nhưng ông ấy vẫn còn sống.”

Nghe vậy, tôi cầm điện thoại, chuyển khoản 300.000 tệ cho mẹ, ghi chú rõ ràng: “Khoản vay.”

Mẹ tôi thấy thông báo, không vui chút nào.

“Tiền bản quyền của con không phải 3 triệu sao?”

Tôi kiên nhẫn giải thích:

“Con đã dùng 2 triệu để mua nhà.

Trước đó, con mua ghế massage cho mẹ, mua quà cho Hảo Hảo, tổng cộng gần 100.000 tệ.

Số còn lại, con đã chi tiêu linh tinh một ít. Bây giờ chỉ còn 400.000 tệ.

Chuyển cho mẹ 300.000 tệ đã là giới hạn của con rồi, mẹ.”

Mẹ tôi bật khóc, kinh ngạc:

“Cái gì?! Căn hộ này không phải con thuê mà là mua?! Chưa đầy một tháng mà đã tiêu hết 2 triệu vào đó?! Còn dắt theo một con chó nữa!”

“Cái áo trên người nó là hàng hiệu đúng không?! Tại sao lại tiêu tiền hoang phí cho một con súc vật?!”

Tôi ôm chặt Hổ Nữu:

“Đây là tiền của con! Nhà của con! Chó của con! Con thích thì con mua! Liên quan gì đến mẹ?!”

Mẹ thấy tôi cứng rắn, đổi chiến thuật ngay lập tức – bà quỳ xuống, dập đầu trước tôi.

Vừa dập đầu, vừa vừa khóc, vừa cầu xin:

“Tuệ Tuệ, con bán nhà đi, cứu cha dượng con được không?”

“Mẹ không bắt con trả nợ nữa! Không cần con trả nữa!

“Chỉ cần ông ấy tỉnh lại, cả nhà sẽ cùng nhau trả nợ cho con!”

Tôi sững sờ, đến mức nước mắt cũng rơi theo.

Tôi quỳ xuống, đỡ lấy bà, bảo bà bình tĩnh lại.

Nhưng bà vẫn tiếp tục dập đầu, không chịu dừng lại.

Tôi nhớ lại.

Mẹ tôi từng là một người kiêu ngạo, rất sĩ diện.

Mà bây giờ, bà lại có thể quỳ xuống giữa nơi công cộng, cầu xin chính đứa con gái mình đã ruồng bỏ.

Chắc hẳn bà thực sự rất tuyệt vọng.

Tôi đã nghĩ như vậy.

Khi trái tim tôi bắt đầu mềm lòng, thì bộ não tôi lại phản bội tôi – nó thốt lên một câu hỏi mà chính tôi cũng không ngờ đến:

“Vậy còn nhà của em gái con thì sao?”

“Lý Phù Phù có định bán nhà không?”

Một khoảng lặng chết chóc.

Tất cả đều im lặng.

Mẹ tôi ngừng dập đầu.

Lý Phù Phù mím môi, rồi từ từ lên tiếng:

“Chị ơi… Em đã rất vất vả mới xin được suất làm việc này.

“Nếu bán nhà đi, sau này… rất khó để xin lại visa…”

11

Tôi hoàn toàn tỉnh ngộ.

Đến tận giây phút này, mẹ tôi vẫn chỉ nghĩ cho cặp song sinh của bà.

Sự đau khổ bà thể hiện, những cú quỳ lạy mà bà mong sẽ khiến tôi khuất phục, với tôi, bỗng trở nên vô nghĩa.

Tôi quát lên, yêu cầu bọn họ cút đi ngay lập tức.

Sau đó, đoạn video mẹ tôi quỳ lạy dưới khu chung cư bị lan truyền trên mạng.

Những lời chỉ trích và công kích dồn dập ập đến.

Có người nói tôi bất hiếu, lạnh lùng, vô ơn, cầm thú.

Thậm chí, có kẻ còn tìm đến tận khu nhà tôi, ném trứng thối và chất lỏng lạ vào cửa nhà tôi.

Tôi thừa biết ai đã lan truyền đoạn video này.

Cũng biết ai là kẻ giật dây để đám đông mù quáng lao vào nhục mạ tôi.

Tôi lập tức thu thập toàn bộ bằng chứng, thuê luật sư, và từng người từng người một, những kẻ vu khống và công kích tôi đều bị lôi ra ánh sáng.

Một tháng sau, Lý Hảo Hảo cùng đám bạn “hot girl, hot boy” trên mạng của nó bị tống vào trại giam 15 ngày vì tội xúc phạm, bôi nhọ người khác.

Đồng thời.

Tôi công khai toàn bộ tin nhắn trong nhóm gia đình bốn người bọn họ.

Bao gồm:

• Những AA bill chỉ riêng tôi phải trả.

• Chuyến du lịch Bắc Kinh không có tôi, nhưng lại ghép ảnh tôi vào mọi bức hình, kèm theo những dòng trạng thái giả tạo.

• Đoạn ghi âm mẹ tôi quỳ lạy để ép tôi bán nhà cứu cha dượng, nhưng lại không dám yêu cầu con gái ruột của cha dượng bán nhà.

Ngay lập tức.

Gió đổi chiều.

Những lời chửi rủa từng nhắm vào tôi, giờ đều nhắm về phía bọn họ.

Sau đó.

Tôi bán căn hộ 2 triệu, dắt Hổ Nữu chuyển đến một thành phố khác.

Trước khi rời đi, mẹ gửi cho tôi toàn bộ sổ ghi chép chi tiêu từ nhỏ đến lớn, yêu cầu tôi trả hết một lần.

Tôi đã tính toán cẩn thận.

Dựa trên số liệu của bà, từ khi tôi 3 tuổi đến 18 tuổi, tổng cộng bà đã nuôi tôi hết 1,68 triệu tệ.

Từ 18 tuổi đến 28 tuổi, tôi theo hệ thống AA trả nợ, đã trả được 600.000 tệ.

Cộng thêm 300.000 tệ tôi đã chuyển cho bà trước đó, nghĩa là tôi vẫn còn thiếu 780.000 tệ.

Mẹ sợ tôi quỵt nợ, nên kéo tôi đến cơ quan tư pháp để công chứng.

Nhưng tại đó, tôi nhận được một lời khuyên pháp lý:

Họ bảo tôi kiện mẹ.

Bởi vì việc bà bắt tôi trả lại toàn bộ chi phí nuôi dưỡng bằng hình thức “trả nợ” là hoàn toàn trái pháp luật.

Nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ, và bắt con cái trả lại tiền nuôi dưỡng là hành vi vi phạm pháp luật.

Tất nhiên.

Sau này, khi tôi đến tuổi có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, tôi có thể không thực hiện nghĩa vụ này, và lúc đó mẹ tôi có quyền kiện tôi ra tòa.

Bây giờ, nếu tôi kiện ngược lại, mẹ tôi sẽ bị giam giữ.

Nhưng cha dượng vẫn còn nằm liệt giường, cần bà chăm sóc.

Bà hạ giọng cầu xin tôi tha cho bà.

Tôi gật đầu, kiềm chế cảm xúc, từng bước, từng bước rời xa bà.

Nhiều năm sau, tôi mới hiểu.

Mẹ tôi chưa từng yêu tôi.

Thậm chí bà còn hận tôi.

Tôi chỉ là một chú thích của cuộc hôn nhân thất bại của bà.

Bà chọn sai người đàn ông, sinh ra một đứa con không thể nhét lại vào bụng, nhưng không muốn thừa nhận điều đó.

Ban đầu, bà tự lừa dối chính mình, mang theo đứa con mà bà không thích, nhưng trong lòng vẫn tính toán từng li từng tí.

Tính từng đồng đã tiêu cho tôi.

Tính từng cảm xúc tôi thể hiện.

Tính từng sai lầm của tôi.

Nhưng cuối cùng, bà chỉ đang tính toán lại chính lựa chọn sai lầm của mình năm xưa.

Vì thế, bà mới bịa ra bảng AA hoàn trả chi phí, lừa gạt tôi, ép tôi phối hợp với bà trong vở kịch hết lần này đến lần khác.

Tôi đã mất rất nhiều thời gian trị liệu tâm lý mới có thể tiêu hóa được tất cả những điều này.

Nhưng đây không phải lỗi của tôi.

Tôi xứng đáng có một cuộc sống hạnh phúc.

Dựa vào chính mình.

Tôi nói với gió một lần.

Nói với mộ bà nội một lần.

Nói với Hổ Nữu một lần.

Và nói với pháo hoa năm mới một lần.

(HẾT.)