Nhưng giờ đó chỉ là chuyện nhỏ.

Dân làng báo cảnh sát, họ lập tức phong tỏa hiện trường, cẩn thận lắp ghép bộ hài cốt trắng kia lại.
Việc xác minh danh tính có lẽ sẽ cần thêm thời gian.

Còn việc mà gia đình tôi phải giải quyết ngay lúc này là hậu sự cho chú út.

Từ khi có cải cách mai táng, làng kiểm soát rất chặt, không cho phép chôn cất kiểu truyền thống.
Như lần ông nội tôi mất, buổi chiều tắt thở, buổi tối gia đình phải lén đem chôn ngoài đồng, không dám để ai hay biết.
Nếu bị dân làng tố cáo, có khi còn bị ép đào lên lại.

“Hay là đưa đến nhà tang lễ hỏa táng?”

Nghe đề nghị của bác cả, thím út lập tức nhảy dựng lên:
“Anh cả, chẳng phải anh từng nói người chết bị thiêu là chịu tội hay sao? Nhà mình từ xưa đến nay đều quan niệm phải ‘lá rụng về cội’!
Sao đến lượt chú út lại đem đi thiêu?!

“Hay anh tiếc mảnh đất đó, không muốn nhận cả người thân của mình nữa?”

Nhà họ Từ có ba anh em trai, đất đai đã chia đều.
Bác cả được phần lớn nhất, đất chú út thì màu mỡ nhất, còn đất nhà tôi không chỉ ít mà lại có một mảnh chẳng trồng trọt gì được.
Mộ tổ tiên nằm ngay trên đất của bác cả, thêm một người chôn cất thì đất trồng trọt sẽ giảm đi một phần.

Bị thím út vạch trần, bác cả đỏ mặt tía tai, cuối cùng đành đồng ý.

Là bậc con cháu, tôi chẳng có tiếng nói trong chuyện này.

Để tránh đêm dài lắm mộng, ba tôi và các bác quyết định sẽ chôn cất chú út ngay trong đêm nay.

Cách ngôi mộ tổ tiên chín mét về phía bắc có một cây hòe già, dù không dựng bia mộ cũng rất dễ tìm.

Ba tôi và bác cả khiêng quan tài, chú út thì nằm bên trong.

Tôi xách một giỏ nến, tiền vàng mã và đồ cúng, đi sau cùng.

Mùa đông đến rồi, đất cứng như đá.
Không khí nồng mùi củi đốt hăng hắc.

Rõ ràng chưa đi được bao xa, nhưng khi ngoảnh đầu lại, ánh đèn trong thôn đã biến mất, chỉ còn vọng lại vài tiếng chó sủa lẻ loi.

Tôi kéo chặt áo lông vũ, vậy mà vẫn thấy rét thấu xương, mũi gần như đông cứng, sắp chảy nước.

Cuối cùng cũng đào xong huyệt, chôn cất chú út.

Không có gió, vậy mà nến hương thế nào cũng không cháy lên được, quỷ dị đến khó tin.

Cả nhà sáu bảy người đứng trong cánh đồng tối om, không ai dám thở mạnh.

“Thôi đi, thôi đi, còn châm hương làm gì nữa, lỡ để người trong thôn thấy thì phiền phức!”

Thím út lo anh họ tôi ở nhà một mình, vội vàng sắp xong đồ cúng liền giục mọi người quay về.

So với bác cả, ba tôi thực sự rơi mấy giọt nước mắt.

Trước đây ông trách ông nội thiên vị chú út. Ba anh em, chú ấy là con út, nhưng lại là người đầu tiên được cưới vợ.
Giờ người cũng mất rồi, ông còn gì để bận lòng nữa đâu?

Khi về đến nhà và lên giường, đã hơn mười hai giờ đêm.

Xui xẻo thay, chăn điện cũng hỏng, chân tôi lạnh đến tê dại, giấc ngủ chẳng yên ổn chút nào.

Đến khi giật mình tỉnh giấc, tôi nhìn điện thoại, mới hơn hai giờ sáng.

Tôi ngồi yên một lúc, sau đó lập tức mặc quần áo, lặng lẽ rời khỏi nhà, chạy thẳng ra đồng.

Bởi vì, tôi vừa nhận được giấc mộng thứ ba của ông nội:

“Mau đi xem mộ tổ! Mau lên!!”

6

Chạy vội quá, lúc xuống ruộng tôi còn vấp một cú ngã nhào.
Trời tối mịt, đừng nói đến đèn đóm, ngay cả ánh trăng cũng bị mây đen che khuất, tôi thậm chí không nhìn thấy nổi bóng của chính mình.

Tôi giảm tốc độ, rút điện thoại ra.
Ai ngờ trước khi ngủ quên không sạc pin, giờ thì máy đã tắt ngóm.

May mà phía trước vẫn lờ mờ thấy được cây hòe già, chỉ cần không lạc hướng là được.

Để lấy can đảm, tôi lẩm bẩm hát một bài.
Đừng nói tôi nhát gan, ở cái nơi này, ai đến mà chẳng phải sợ. Dưới đất này không biết đã chôn bao nhiêu người.

Khi tôi hát đến lần thứ mười bài Chúc Mừng Phát Tài, mới nhận ra có gì đó không ổn.
Cây hòe già kia rõ ràng chỉ cách chưa đầy 50 mét, sao tôi đi mãi vẫn không đến gần được?

Tôi nín thở, nuốt khan một cách khó nhọc.
Chẳng lẽ đây chính là cái mà người ta gọi là “ma trêu tường”?

Tuy tôi không hay đọc truyện ma quỷ, nhưng cũng từng xem qua vài livestream săn ma, ít nhiều nhớ được vài mẹo.

Đầu tiên, tôi thử cách mà họ hay làm: tiểu xuống bờ ruộng.
Cách này không có tác dụng, mà hình như còn cuốn đi chút hơi ấm cuối cùng trong người tôi.

Tôi bắt đầu hoảng, trong lòng trách thầm ông nội.
Không hiểu sao nửa đêm nửa hôm lại kêu tôi ra nghĩa địa, nếu muốn nói chuyện, ban ngày tôi mang hai lạng rượu ra kính ông cũng được mà.

Nghĩ đến hình ảnh mơ hồ của ông nội trong giấc mơ, tôi không khỏi thấy khó chịu.
Nhưng khoảnh khắc ông khản giọng ra lệnh cho tôi, tôi chẳng còn nghĩ được gì, chỉ biết nghe lời.

May mà trong túi áo khoác lông còn sót lại một điếu thuốc lúc chia cho mọi người ban ngày. Tôi vội vàng châm một điếu.

Tôi vốn không hút thuốc, chỉ là bắt chước mấy người trong livestream, thử xem có phá được “trận” này không.

Không ngờ vừa châm thuốc thì gió nổi lên.
Đốm lửa bừng sáng trong giây lát, điếu thuốc lập tức ngắn đi nửa phần.

Giống như vừa bị ai đó hít một hơi thật sâu.

Toàn thân tôi nổi da gà, không dám nhìn ngang, càng không dám quay đầu.

Chỉ biết cúi đầu, bước nhanh về phía trước.

Lúc đâm sầm vào gốc cây hoè già, điếu thuốc trong tay tôi cũng vừa cháy hết.

Ngay khi tôi còn chưa kịp nghĩ xem ông nội sẽ báo mộng gì tiếp theo, giữa cánh đồng hoang vắng bỗng vang lên âm thanh đều đặn:

“Cạch… cạch…”

Âm thanh đó đến từ hướng mộ tổ nhà họ Từ.

Từ dưới lòng đất!

Trong đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ, lập tức nhặt lấy chiếc xẻng trên mặt đất.

Chưa qua ba ngày dừng linh, có lẽ chú út vẫn chưa chết!

Ông nội báo mộng là để tôi đến cứu ông ấy!

Lúc này, tôi không còn sợ nữa, ngược lại còn hừng hực khí thế.

Chẳng mấy chốc, tôi đã đào xới lớp đất mới bên trên.

Đúng lúc ấy, ánh trăng lại rọi xuống mặt đất.

Khi tôi bám vào nắp quan tài và mở ra, toàn thân như bị rút sạch máu, lạnh buốt đến tận tim.

Bên trong, một người đàn ông đang gặm kẹo vừng, nhìn thấy tôi thì ngây ngô cười:

“Bị em trai tìm thấy rồi, hì hì.”

Tay tôi run bần bật, tim như ngừng đập.

Là ai?!

Ai đã cố tình chôn sống anh họ tôi?!

Tôi hít một hơi lạnh, vừa định kéo anh họ ra khỏi quan tài thì đột nhiên cảm nhận được có tiếng bước chân ngày càng gần.

Chưa kịp quay đầu, sau gáy tôi đã bị một cú đánh mạnh như trời giáng.

Mắt tôi đảo lộn, rồi chìm vào bóng tối…

7

“Con trai, giờ thấy thế nào rồi? Đầu có chóng mặt không? Mắt có mờ không?”

Tôi ngồi dậy trên giường, mất đến ba phút mới tỉnh táo hẳn, gạt tay mẹ đang huơ trước mặt ra.
“Thím út sao lại làm vậy với anh họ?”

Dù nhắc đến chuyện gì, mặt ba mẹ cũng hiện rõ vẻ hoảng sợ.

Hôm qua, lúc tôi cứu anh họ ở khu mộ tổ, bất ngờ bị ai đó đánh một cú mạnh từ phía sau. Nhưng tôi nhanh chóng tỉnh lại.
Người đang thở hồng hộc, định đẩy cả tôi vào trong quan tài, chính là thím út.

Miệng thím lẩm bẩm rằng muốn nhà họ Từ tuyệt tử tuyệt tôn, tay thì xúc đất đổ lên người tôi.
Tôi không hiểu thím hận đến mức nào mà lại làm vậy.

Chẳng lẽ chỉ vì chú út lỡ tay đánh điếc tai thím mà khiến thím ghi hận như thế?

Khi nắp quan tài sắp bị đậy lại, tôi cố van xin thím tha cho mình, nhưng miệng lại bị anh họ tôi bịt chặt.
Đừng nhìn anh ấy đầu óc không minh mẫn, cơ thể lại rất khỏe.

“Suỵt, suỵt…!”
“Nếu khóc sẽ bị đánh, nếu chạy sẽ bị đánh gãy chân.”
“Nghe lời, con nghe lời.”

Anh họ chỉ biết lặp đi lặp lại câu đó.
Tôi không hiểu, thím út trước giờ luôn tỏ ra yêu thương con trai, sao cũng ra tay với anh ấy được?

Nhưng lúc đó, tôi càng tuyệt vọng hơn trước nỗi sợ bị chôn sống, hơi thở ngày càng gấp gáp, mồ hôi toát ra ướt đẫm.
Tôi cố sức đẩy nắp quan tài, nhưng vì lớp đất đè lên trên, chỉ phát ra những tiếng két két yếu ớt.

May thay, chính những âm thanh nhỏ bé đó lại giúp tôi giành được cơ hội sống sót.

Mẹ tôi, vì không thấy tôi đâu, đã âm thầm đi theo từ lúc tôi rời nhà.
Sau một hồi loanh quanh, bà tìm đến khu mộ tổ và thấy thím út vác một cái xẻng trên đường trở về.

Mẹ thấy có điều không ổn, liền hỏi thím có thấy tôi không. Thím bảo không thấy.
Mẹ bảo thím giúp đi tìm, nhưng không ngờ thím lại lập tức ra tay đánh mẹ.

May mà mẹ tôi ngày thường không hay bộc lộ, nhưng lại có sức khỏe không nhỏ. Bà giữ chặt thím út, dùng dây thừng vứt trên mộ trói chặt bà ta lại.

Tôi được cứu ra, nhưng lần này ngất suốt ba tiếng đồng hồ, mãi đến khi trời sáng mới tỉnh.

Còn lý do tại sao thím út làm vậy, ba tôi và mọi người cũng chỉ có một suy đoán mơ hồ.

“Thím út của con, tám phần là bị chú út con bắt về.”

“Những năm đầu, ban đêm bà ấy luôn tìm cách bỏ trốn, bị đánh không ít lần. Sau này, có thai rồi mới dần ngoan ngoãn hơn.”

“Lúc đó, chúng ta chỉ nghĩ vợ chồng họ không hợp nhau, nào ngờ lại là chuyện như thế này.”

Bảo sao.

Bảo sao lúc nào tôi cũng thấy ánh mắt của thím út thật đáng sợ.

Thứ đó không phải là thỏa hiệp, mà là một cơn hận thù bị kìm nén, muốn giết sạch tất cả chúng tôi.

“Ba, mẹ!” Tôi đột nhiên rùng mình, toàn thân lạnh toát.

“Năm đó, cả nhà bị trúng độc vào đêm Giao thừa… có phải do thím út cố ý không?”

Căn phòng bỗng chốc rơi vào tĩnh lặng.

Không phải chưa ai từng nghi ngờ, chỉ là không ai dám tin, một người mẹ có thể tự tay hạ độc chính con ruột của mình.

Cảnh sát đã được báo tin, sắp đến bắt thím út. Cả thôn xôn xao, người kéo đến nhà tôi xem náo nhiệt đông nghịt.

Trong nhà chính, thím út đưa ánh mắt như rắn độc lướt qua từng người họ Từ, cuối cùng dừng lại ở bác cả tôi.

Bà ta nhếch miệng, lộ ra hàm răng xỉn màu, cười quỷ dị:

“Năm đó, tôi đã nhìn thấy hết rồi.”

“Bà thấy cái gì?”

Bác gái không hiểu gì, chỉ nghĩ rằng thím út lại đang giở trò.

Thím út cười càng dữ dội, giọng nói như ác quỷ rỉ rả bên tai:

“Hơn hai mươi năm trước, tôi tận mắt thấy…

Bác cả nửa đêm đến nhà cũ…

Dùng gối bịt chết người đàn ông lạ mặt kia.”

8

Mọi chuyện xảy ra đều có dấu vết của nó.

Không lâu sau khi người đàn ông lạ mặt rời đi, bác cả viện lý do hùn vốn làm ăn với bạn bè, vội vàng rời làng.
Ba tháng sau trở về, bác cả đã xây xong căn nhà ba tầng đầu tiên trong làng, còn một lần chi ra sính lễ lớn để cưới vợ.

Thời đó, bác cả đúng là gây được tiếng vang lớn trong làng.
Nhưng khi người khác hỏi bác làm ăn gì mà giàu nhanh như vậy, ngay cả ba tôi – em trai ruột của bác – cũng không nghe được bất cứ lời giải thích nào.