Cùng làm trong khoa, chị y tá Lý lúc nào cũng thích nhờ tôi đổi ca đêm thành ca ngày cho chị.
“Em gái ngoan, con trai chị mới có 10 tuổi, nó sợ bóng tối, em giúp chị một lần đi mà.”
Tôi thương chị là mẹ đơn thân, chắc không dễ dàng gì, nên không nỡ từ chối.
Ba tháng liền làm ca đêm, tôi kiệt sức đến mức phải vào ICU.
Còn chị thì sao? Chẳng những không thấy áy náy, mà còn đứng bên giường bệnh trách móc tôi:
“Trẻ thế này mà đã không chịu được ca đêm!
Chắc tại nhà nuôi mèo, ảnh hưởng đến giấc ngủ, đáng lẽ em không nên nuôi mèo!”
Tôi tức lắm, nhưng cũng không muốn làm to chuyện.
Thế mà chị còn lấn tới:
“Hay thế này đi, chị nuôi mèo giúp em, còn em trực ca đêm giao thừa giúp chị, được không?”
Tôi sững người, người này sao có thể mặt dày như thế?
“Chị Lý, đêm Giao thừa tôi phải về nhà đoàn tụ, không đổi được.”
Chị ấy dường như không ngờ tôi – người trước giờ luôn dễ dãi – lần này lại dám từ chối.
Lập tức mặt chị tối sầm, bắt đầu lên giọng dạy dỗ:
“Tiểu Từ, người trẻ như em sức khỏe tốt, thức vài đêm thì có làm sao.”
“Với lại, chị trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, em không thể thông cảm chút à?”
Tôi cũng khó hiểu,
“Chị Lý, ba tháng liền tôi đã thay chị làm ca đêm, đến nỗi ngất xỉu trong lúc đi thăm bệnh, may mà có người nhà bệnh nhân phát hiện kịp thời, đưa vào ICU cấp cứu, nếu không có khi đã mất mạng rồi.”
“Chuyện này còn chưa đủ gọi là thông cảm sao?”
Chị ấy thản nhiên, bĩu môi:
“Người trẻ tuổi à, gieo nhân lành thì mới gặt được quả ngọt.”
Ngữ điệu của chị cứ như thể tôi không giúp là làm điều ác tày trời vậy.
Cơn giận bùng lên, máu nóng dồn thẳng lên não.
“Chị trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, thì liên quan gì đến tôi?”
Chưa kịp dứt lời, đúng lúc đó y tá trưởng bước vào thay nước.
Thấy mắt chị Lý đỏ hoe, chẳng hỏi đầu đuôi, liền trách tôi:
“Người trẻ tuổi, nói chuyện đừng vô tâm thế.”
Hay lắm, ai cũng thích dạy bảo người trẻ.
Tôi chẳng buồn cãi, cầm sổ lên nói:
“Tôi đi thăm phòng.”
Không ngờ, chị Lý chặn tôi lại, làm bộ đáng thương:
“Chị quỳ xuống cầu xin em, giúp chị đổi ca lần này đi, chị đã hứa với con trai là đêm Giao thừa sẽ thức cùng nó.”
Ai mà chẳng có gia đình.
Tôi vội đỡ chị ngồi xuống ghế, không để chị quỳ tiếp.
“Chị à, tôi cũng hứa với bà tôi, sẽ về cùng bà gói bánh chẻo.”
Không khí căng thẳng, có bệnh nhân đi ngang qua tò mò ghé mắt vào xem.
“Y tá ơi, làm thủ tục nhập viện.”
Tôi tranh thủ thoát ra, định đi xử lý việc này.
Y tá trưởng nhanh nhẹn hơn, vừa bảo bệnh nhân chờ một chút, vừa đóng cửa lại, quay sang trách tôi:
“Khó khăn của chị Lý em cũng biết, trước đây em còn đổi ca cho chị ấy, sao lần này lại không được?”
“Với lại, gói bánh chẻo thì ban ngày không làm được à?
Tôi thấy rõ ràng là em đang kiếm cớ!”
Kiếm cớ?
Bà tôi ở ngoại tỉnh, lái xe mất bốn tiếng.
Vả lại, lịch trực đã phân công, ai được xếp thì phải làm.
Tôi giúp là tình nghĩa.
Không giúp, thì cũng đâu phải là bổn phận của tôi.
Đừng tưởng ai cũng không có tính khí, để mặc cho người khác nhào nặn theo ý mình!
“Dù sao đi nữa, tôi không đổi.”
Đúng lúc này, chuông báo động vang lên.
Tôi tranh thủ đẩy y tá trưởng đang chắn trước cửa sang một bên.
“Bệnh nhân cần, làm việc trước đã.”
Không thèm quan tâm đến tiếng nghiến răng nghiến lợi phía sau:
“Từ Vy Vy, cô cứ đợi đấy cho tôi!”
Chẳng phải đợi lâu.
Trong tuần kế tiếp, tôi đã tận mắt chứng kiến cách chị Lý trả thù.
Khoa hô hấp của chúng tôi có 9 y tá, chia làm ba ca.
Nhưng kỳ lạ thay, bất kể tôi được xếp chung ca với ai, mọi người đều bận rộn đến mức khó hiểu.
Có người như bị dán chặt vào ghế, ngồi trước máy tính cả ngày để viết hồ sơ chăm sóc.
“Việc này ảnh hưởng đến việc bác sĩ chẩn đoán bệnh, cần cẩn thận, không vội được đâu.”
Kết quả, chưa tới 100 chữ, chị ta loay hoay cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong.
Người khác thì lấy cớ đưa bà con họ hàng đi khám, liên tục mất tích.
Khó khăn lắm mới thấy quay lại, cũng chỉ ngồi ở bàn trực lướt điện thoại, việc khác mặc kệ.
Tôi lên tiếng lý luận, chị ta lại nói một cách vô cùng hợp lý:
“Em là người mới, dọn giường, tiêm thuốc, dọn dẹp những thứ này, em làm nhiều một chút đi.
Không làm, thì lấy đâu ra cơ hội rèn luyện?”
Không chỉ vậy, cả đồng nghiệp giao ca cũng bắt nạt tôi.
Y tá ca trước cố tình để dịch truyền nhỏ giọt rất chậm, kéo dài đến ca của tôi mới chịu thay nước.
Ca sau, tiểu Nha vừa bước vào đã nhìn bàn trực bừa bộn, không cần hỏi lý do, quay sang tôi mắng xối xả:
“Em làm ở đây nửa năm rồi, sao cái gì cũng không làm được?”
“Nhìn mà xem, bừa bộn thế này, làm thì làm, không làm được thì cút đi!”
Tôi nhìn theo hướng tay chị ấy chỉ.
Trên bàn là đủ loại biểu mẫu, sổ đăng ký, lẫn cả túi rác từ đồ ăn vặt, vứt lung tung khắp nơi.
Đáng bực hơn nữa, phần ghi chép chăm sóc cần hoàn thành cũng để trống trơn.
Điều đó có nghĩa, chị ta sẽ phải đối chiếu phiên bản điện tử và tự tay chép lại từng chữ một về tình trạng bệnh nhân.
Công việc phiền phức này, gặp ai cũng sẽ cáu.
Chỉ là—
“Tôi vừa từ phòng bệnh về, cả đêm không được nghỉ phút nào.”
“Chị đến, người ngồi ở bàn trực là ai, chẳng lẽ chị không biết?”
“Sao chị không đi mắng họ?”
Và câu “Cút đi” này, thật quá đáng rồi.
Tôi không hiểu:
“Tôi đi thì chị được lợi gì?”
“Sắp Tết rồi, mỗi khoa đều bận rộn, không thể điều thêm y tá vào đâu.”
“Với lại, nếu tôi đi, người trẻ nhất ở đây là chị. Chị nghĩ xem, lúc đó chị Lý sẽ tìm ai đổi ca?”
Tiểu Nha nghe ra ý tôi, sắc mặt thay đổi rõ rệt, trông như chim sợ cành cong.
“Em mà đi, sẽ không lấy được chứng chỉ đâu. Em không thể đi được.”
Đúng là sự thật, không có tấm chứng chỉ này, sau này chẳng bệnh viện nào nhận.
Vậy nên họ mới dám ngang nhiên bắt nạt tôi như thế, nhỉ?
Chỉ tiếc, tôi chẳng quan tâm gì đến tấm chứng chỉ đó. Ai cũng đừng hòng dùng nó để ép tôi.
Tôi nhìn về phía thang máy, cười hỏi Tiểu Nha:
“Đến giờ rồi, bạn trực ca của chị sao còn chưa đến?”
Nghe vậy, mặt chị ấy tái nhợt, không còn hung hăng như trước, thậm chí còn bắt đầu thu dọn đống rác trên bàn.
Tôi biết, bạn trực ca của chị ấy chính là chị Lý và y tá trưởng.
Hai người đó vốn là chuyên gia đi muộn về sớm, lúc nào cũng trốn việc.
Tôi cũng biết, gia đình Tiểu Nha khó khăn, chị ấy rất trân trọng công việc này.
Khổ nỗi, họ đều thích bắt nạt kẻ yếu.
Tôi điền đầy đủ thông tin bàn giao ca, đặt cuốn sổ ghi chép bệnh tình lên bàn một cách nặng nề, cặm cụi chép suốt nửa tiếng.
Vậy mà khi tôi xong xuôi, hai “bà lớn” kia vẫn chưa thấy đâu.
Đúng là quá đáng!
Tôi chặn Tiểu Nha vừa thay nước xong, đang định đi lấy thuốc.
“Chị thực sự muốn cứ thế này mà chịu đựng mãi sao?”
“Hay là, cố chịu đựng thêm mười năm nữa, rồi trở thành một chị Lý khác?”
Chị ấy đứng ngẩn ra nhìn tôi, cắn môi không nói gì.
Tôi vừa giận vừa thương:
“Tôi muốn biết, tại sao mọi người đều đứng về phía chị Lý để gạt tôi?”
“Rốt cuộc chị ấy là người thế nào, mà ngay cả y tá trưởng cũng bênh chị ấy!”
Chị ấy mở miệng định nói gì đó.
Tôi vội vàng dựng tai lên lắng nghe.
Đúng lúc này, phía sau vang lên một câu châm chọc:
“Ôi trời, nhìn kìa, gương mặt lao động tiêu biểu của khoa mình, giao ca rồi mà không chịu về, đúng là muốn thể hiện.
Yêu việc thế thì trực giúp tôi ca này đi?”
Tiếng bước chân ngày càng gần.
Tiểu Nha giật mình, hoảng hốt đẩy tay tôi ra, lí nhí nói:
“Tôi đi cho bệnh nhân uống thuốc đây.”
Thôi được, cảm giác bất lực lại ập đến.
Tôi hiểu và tôn trọng sự lựa chọn của chị ấy, sau đó về nhà, lăn ra ngủ ngay.
Trong giấc mơ, tôi còn nghĩ cách để chỉnh đốn cái chị Lý kia.
Không ngờ, đến ba giờ mười lăm chiều, điện thoại tôi lại nhận được một loạt tin nhắn vô cùng quan trọng.
3
Buổi chiều ba giờ là thời gian giao ca giữa ca ngày và ca tối.
Tin nhắn được gửi từ Tiểu Nha.
“Chị Lý là họ hàng xa của trưởng khoa.
Nghe nói trước đây, khi còn sắp xếp ca thủ công, chị ấy luôn được ưu tiên chỉ trực ca ngày, không phải làm ca tối, chứ đừng nói đến ca đêm.
Sau này đổi thành xếp ca bằng máy tính, chị ấy không còn cách nào khác nên mới phải đổi ca với người khác.
Trưởng khoa đã nhắc nhở chúng tôi, phải chăm sóc những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.
Chị ấy khôn lắm, rất ít khi làm phiền mấy người lớn tuổi, mà toàn nhắm vào các y tá thực tập và nhân viên mới.”
“Tiền thưởng cuối tháng do trưởng khoa quyết định, ông ấy nắm quyền tính hệ số, nên chẳng ai dám làm phật lòng.
Trước đây chị Lý từng nhắn nhủ bọn tôi rằng, trong ca trực cứ làm việc bình thường, đừng để em kiệt sức, vì nếu không còn ai đổi ca với chị ấy nữa thì rất phiền.
Nhưng sau khi em từ chối đổi ca, chị ấy lại bảo mọi người phải ‘chơi tới bến’, ép em phải cúi đầu nhận lỗi.”
“Khi em hỏi chị Lý có thân phận gì, tôi rất bất ngờ.
Chẳng lẽ trước đây em đồng ý đổi ca không phải vì biết chị ấy có chỗ dựa sao?
Mọi người đều trải qua như vậy, cố gắng chịu đựng, đợi đến khi có người mới vào thay.
Với lại, chứng chỉ quy định của em còn bị giữ ở viện, cái này trưởng khoa chỉ cần một câu là quyết định được.
Hai năm thôi, chịu khó nhịn chút đi, được không?”
Nhịn?
Không thể nào nhịn được!
Tôi đã đủ ngu ngốc khi để lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Nếu đã bị chèn ép mà còn không dám phản kháng, vậy thì quá nhu nhược rồi.
Sau khi quyết định xong, tôi gọi điện lại cho Tiểu Nha.
“Tôi đổi ca với chị, ca ngày đổi ca ngày, lần sau tôi làm chung ca với chị Lý.”
Chị ấy im lặng một lúc, rồi đồng ý.
Ngay sau đó, tôi lập tức gọi cho bạn thân.
“Alo, sáng mai tám giờ rưỡi, cậu đến đây làm thủ tục nhập viện nhé.”